(HNM) - Hai tháng sau khi công bố chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở” tại Đối thoại Shangri-La, Mỹ đang từng bước cụ thể hóa những cam kết nhằm gia tăng ảnh hưởng và vị thế ở khu vực địa chiến lược quan trọng này. Điều này được thể hiện rõ qua chuyến thăm vừa diễn ra của Ngoại trưởng Mike Pompeo tới 3 nước Đông Nam Á, gồm: Malaysia, Indonesia và Singapore.
Ngoại trưởng Mỹ M.Pompeo (giữa) dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 và các hội nghị liên quan. |
Chuyến thăm thu hút sự quan tâm của dư luận vì sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền đã xuất hiện những nghi ngại rằng, chính sách xoay trục sang châu Á của Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama đã bị thay thế bằng quan điểm “Nước Mỹ trên hết”. Trên thực tế, trong 2 năm qua, Nhà Trắng đã đưa ra một loạt động thái gây tranh cãi khi rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), châm ngòi cho cuộc chiến thương mại với các nền kinh tế lớn như Ấn Độ, Trung Quốc, châu Âu... Nhiều nước đã đặt câu hỏi về hướng hợp tác của Mỹ với khu vực.
Do đó, chuyến công du của Ngoại trưởng M.Pompeo là cơ hội để Washington làm rõ và xây dựng lập trường thống nhất hơn về chính sách của nước này đối với Đông Nam Á nói riêng và khẳng định chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung.
Cùng với lịch trình làm việc dày đặc qua các chặng dừng chân tại Malaysia, Indonesia và Singapore, Ngoại trưởng M.Pompeo còn tham dự hàng loạt sự kiện lớn trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 51 (AMM 51) và các hội nghị liên quan. Thông điệp quan trọng của chuyến công du là sự khẳng định vị trí của Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của Washington. Ngoài ra, người đứng đầu ngành Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh quan hệ kinh tế cân bằng, cùng có lợi giữa ASEAN - Mỹ đã và đang đem lại những lợi ích to lớn cho cả hai bên. Ngoại trưởng M.Pompeo cho rằng, Mỹ đánh giá cao vai trò của ASEAN đối với hòa bình, ổn định khu vực và đặt ASEAN ở vị trí trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong chiến lược của Mỹ.
Những cam kết về củng cố các mối quan hệ đối tác chiến lược với các nước nói riêng cũng như với ASEAN nói chung đã được cụ thể hóa qua những con số cụ thể. Theo đó, Mỹ cam kết đóng góp gần 300 triệu USD để tài trợ an ninh cho khu vực Đông Nam Á, như giúp tăng cường an ninh hàng hải, phát triển viện trợ nhân đạo, năng lực gìn giữ hòa bình và chống lại các mối đe dọa xuyên quốc gia. Cam kết này được đưa ra sau khi “chú Sam” công bố khoản đầu tư 113 triệu USD cho các sáng kiến công nghệ, năng lượng và đầu tư tại châu Á, vốn được coi là khoản chi cho một kỷ nguyên mới của Mỹ trong khu vực.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tầm quan trọng của Đông Nam Á trong các mối quan tâm kinh tế và an ninh cơ bản của chính quyền Tổng thống D.Trump cần được nhìn nhận ở hai khía cạnh. Về mặt kinh tế, có lẽ quyết định của Tổng thống D.Trump rút Mỹ khỏi TPP - nay là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - dường như khiến quan hệ kinh tế giữa Mỹ với khu vực châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng ít nhiều bị ảnh hưởng, bởi 4 nước trong khu vực là Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam tham gia hiệp định này. Dẫu vậy, Mỹ vẫn không từ bỏ vai trò là đối tác và nhà đầu tư quan trọng của khu vực. Nếu tính cả Đông Nam Á, đầu tư của Mỹ đang dẫn đầu.
Với những cam kết mạnh mẽ về hỗ trợ tài chính và bảo đảm an ninh cho ASEAN, Ngoại trưởng M.Pompeo đã phần nào giải đáp những băn khoăn của các nước về chính sách đối với khu vực, cụ thể hóa hơn những tuyên bố của giới chức Mỹ trước đó. Và dù có sự điều chỉnh chính sách song Mỹ vẫn coi trọng quan hệ hợp tác với ASEAN nói riêng và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung dựa trên hai trụ cột “tự do” và “cởi mở”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.