Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhật - Hàn Quốc vào bán kết: Chuyện tất nhiên?

Theo Bongdaplus| 06/08/2012 14:15

Lần đầu tiên trong lịch sử, châu Á có tới hai đại diện tại vòng bán kết môn bóng đá nam Olympic. Cần phải biết rằng trong suốt lịch sử Thế vận hội, đây mới là lần thứ 4 các đại diện châu Á góp mặt tại vòng đấu này. Trước đó là Iraq năm 2004, Nhật Bản năm 1968 và Ấn Độ năm 1956.


Nhiều bất ngờ là một yếu tố căn bản của môn bóng đá nam tại Olympic so với đấu trường World Cup. Lý do là việc chỉ có 16 đội bóng tham dự khiến cho số trận đấu ít hơn, tính thử thách giảm xuống và các đội có thể đi tiếp chỉ sau một vài trận đấu gây sốc - khá giống với đấu trường EURO, nơi cũng thường chứng kiến các nhà vô địch “lạ”.

Nhật Bản hiện là lá cờ đầu của bóng đá châu Á ở sân chơi thế giới


Nhưng thành công của Nhật Bản và Hàn Quốc tại giải năm nay vẫn có ý nghĩa riêng trong việc phản ánh sức mạnh của bóng đá châu Á, đặc biệt là bóng đá trẻ. Trong 2 thập kỷ qua, hai nền bóng đá đầu tàu của châu lục đông dân nhất thế giới đã liên tục hoàn thiện một hệ thống đào tạo bài bản và quy mô, bao gồm cả những phương thức được nhập khẩu từ Tây Âu và Nam Mỹ, cũng như tự phát triển các phương pháp huấn luyện riêng phù hợp với thể hình người Á Đông. Việc họ lọt sâu vào các giải đấu lớn đã không còn đáng coi là “hiện tượng”, mà là kết quả tất yếu của một quá trình tiến bộ.

“Rất khó khăn để bắt đầu” - PCT LĐBĐ Nhật Bản Kozo Tashima hồi tưởng lại giai đoạn tái cơ cấu bóng đá Nhật Bản đầu những năm 90 thế kỷ trước - “Chúng tôi có 47 vùng hành chính, mỗi nơi lại có cách làm bóng đá riêng. Phải mất đến 5-6 năm mới thuyết phục được họ cùng quy về một mối để phát triển bóng đá Nhật Bản”.

Bắt đầu từ lứa U12, việc phát triển tài năng trẻ là công việc chung của cả nước. Những tài năng U12 tốt nhất được mỗi tỉnh chọn ra sẽ được gửi đến trung tâm đào tạo cấp địa phương tốt nhất ở gần đó, rồi số xuất sắc nhất sẽ lại được gửi đến các trung tâm huấn luyện quốc gia, tạo thành một chuỗi thống nhất chứ không phải “mạnh ai nấy đào tạo” như mô hình Tây Âu.

Hàn Quốc cũng đang học theo Nhật Bản, thay vì học châu Âu, và các đội bóng tại giải VĐQG Hàn Quốc (K-League) đều đang sở hữu những lò đào tạo chất lượng. Các tuyển trạch viên Nhật Bản cũng thường xuyên sang Hàn Quốc để đưa về các tài năng tốt nhất (như trường hợp của Park Ji-sung).

Thành công ở cấp độ Olympic không đảm bảo cho thành công ở cấp độ ĐTQG, nhưng rõ ràng, nó là biểu hiện cho bước tiến lớn của bóng đá châu Á trong công cuộc đi tìm tiếng nói riêng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhật - Hàn Quốc vào bán kết: Chuyện tất nhiên?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.