Ngày 24-6, hãng thông tấn Kyodo cho biết, ngày càng có nhiều cặp vợ chồng Nhật Bản viện đến các ngân hàng sữa mẹ hiến tặng để giúp ngăn ngừa bệnh tật ở trẻ sinh non.
"Khi con mình trong tình huống sinh tử, tôi muốn làm bất cứ điều gì có thể", một phụ nữ 33 tuổi, có con gái sinh non 4 tháng chỉ nặng 400g vào năm 2019 chia sẻ với Kyodo.
Khi đó, bệnh viện nhận định đứa trẻ chỉ có "50% cơ hội sống sót" và khuyến nghị người mẹ nên sử dụng sữa hiến tặng vì cô không thể cung cấp sữa mẹ, nhấn mạnh cách làm này sẽ giảm đáng kể nguy cơ tử vong. Chỉ sau đó 5 ngày, bé gái đã nhận được sữa hiến tặng.
Với cô con gái khỏe mạnh sẽ tròn 5 tuổi vào mùa hè này, người phụ nữ bày tỏ lòng biết ơn những người đã hiến tặng sữa cho con mình.
"Một người quen cũng sinh non cùng thời điểm nhưng không có thông tin về ngân hàng sữa mẹ và đã mất con do viêm ruột hoại tử", cô nói, đồng thời bày tỏ hy vọng, các bệnh viện sẽ luôn có nguồn cung sữa mẹ từ các ngân hàng lưu trữ.
Hiện tại, Nhật Bản có 3 ngân hàng sữa mẹ ở Tokyo và tỉnh Aichi. Sữa nhận từ người hiến tặng được khử trùng và đông lạnh, và vận chuyển đến các bệnh viện theo yêu cầu.
Tại đó, sữa được chuẩn bị để cung cấp cho các trẻ sơ sinh có cân nặng dưới 1.500 gram, có mẹ gặp vấn đề sức khỏe do sinh non hoặc không có đủ sữa.
Theo thống kê, số người có nhu cầu nhận sữa hiến tặng tăng nhanh kể từ năm 2018. Đến nay, đã có 103 cơ sở y tế tại 40 trong số 47 tỉnh của Nhật Bản tiếp cận dịch vụ này.
Khi năm tài chính 2023 kết thúc (vào cuối tháng 3-2024), sữa mẹ hiến tặng đã được cung cấp cho 1.118 trẻ sơ sinh. Mức này cao hơn so với con số 813 trẻ năm trước đó.
Tuy nhiên, Quỹ Nippon - đơn vị điều hành hai trong số các ngân hàng sữa hiến tặng của Nhật Bản - cho biết, ước tính hằng năm, có khoảng 5.000 trẻ sơ sinh ở xứ sở Mặt trời mọc cần tới sữa mẹ hiến tặng.
Giáo sư Nhi khoa Katsumi Mizuno tại Đại học Showa cho biết, so với sữa bột, sữa mẹ hiến tặng có hiệu quả hơn trong việc giảm nguy cơ viêm ruột hoại tử cho trẻ sơ sinh. Sữa mẹ hiến tặng cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh võng mạc sinh non, khi các mạch máu bất thường phát triển trong võng mạc và bệnh phổi mãn tính.
Tuy nhiên, các ngân hàng sữa mẹ ở Nhật Bản cũng đang đối mặt với những thách thức khi phải đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong bối cảnh không đủ kinh phí và nhân sự.
Một trong những ngân hàng sữa mẹ hiến tặng, được thành lập tại văn phòng của nhà sản xuất hàng trẻ em Pigeon Corp (Tokyo), hiện hoạt động dựa vào kinh phí từ các bệnh viện và nguồn tài chính quyên góp từ các doanh nghiệp và cá nhân. Tuy nhiên, các khoản đầu vào này không đủ bù lỗ, theo Hiệp hội Ngân hàng Sữa mẹ Nhật Bản.
Trong bối cảnh đó, Bộ Y tế Nhật Bản đang xem xét mở rộng hỗ trợ cho các ngân hàng sữa mẹ. Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng, quá trình này có thể mất thời gian, nhất là đối với việc phân loại sữa mẹ hiến tặng là thực phẩm hay thuốc.
Bên cạnh đó, số lượng người hiến sữa cũng còn rất hạn chế. Năm 2023, Hiệp hội Ngân hàng Sữa mẹ Nhật Bản chỉ ghi nhận 607 người đăng ký hiến sữa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.