Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhật Bản không nhượng bộ khủng bố

Đình Hiệp| 01/02/2015 05:46

(HNM) - Sự kiện hai công dân Nhật Bản bị IS bắt cóc không chỉ gây chấn động dư luận xứ Mặt trời mọc mà còn là thách thức ngoại giao lớn nhất với Thủ tướng Shinzo Abe kể từ khi nhậm chức năm 2012.



Sự kiện hai công dân Nhật Bản bị IS bắt cóc không chỉ gây chấn động dư luận xứ Mặt trời mọc mà còn là thách thức ngoại giao lớn nhất với Thủ tướng Shinzo Abe kể từ khi nhậm chức năm 2012.

Người dân Nhật Bản cầu nguyện cho nhà báo tự do Kenji Goto sớm được tự do.


Hung tin đến với người dân Nhật Bản vào thời điểm Thủ tướng S.Abe công du Trung Đông và đưa ra cam kết trợ giúp 200 triệu USD cho những nước đang đương đầu trực tiếp với IS nhằm giúp thêm nguồn nhân lực, cải thiện cơ sở hạ tầng và cuộc khủng hoảng con tin Nhật Bản đã bùng phát ngay sau khi đoạn video được đăng tải trên trang mạng của các tay súng Hồi giáo cực đoan (ngày 20-1) cho biết, IS sẽ giết 2 công dân Nhật Bản là Kenji Goto và Haruna Yukawa nếu Tokyo không trả khoản tiền chuộc 200 triệu USD (tương đương số tiền Nhật Bản viện trợ chống IS) trong 72 giờ. Bốn ngày sau, IS lại tung một đoạn video dài 3 phút ghi hình công dân Kenji Goto cầm bức ảnh chụp một thi thể đã bị chặt đầu được cho là của Haruna Yukawa. Tuy nhiên, sau đó IS đã đổi ý khi không đòi khoản tiền chuộc 200 triệu USD nữa và thay vào đó là sự tự do của Sajida Al-Rishawi, một nữ Hồi giáo Iraq bị kết tội âm mưu đánh bom liều chết tại Jordan năm 2005. Trong khi yêu cầu trao đổi chưa được đáp ứng, ngày 29-1, IS tiếp tục tung ra một đoạn video mới khi sử dụng con tin Kenji Goto để đưa ra lời cảnh báo sẽ sát hại phi công người Jordan Maaz Al-Kassasbeh nếu không thả Sajida Al-Rishawi vào chiều 29-1.

Tất cả những gì mà IS liên tục đưa ra đã gây phản ứng trái chiều trong dư luận Nhật Bản. Một số đảng đối lập đã lên tiếng chỉ trích chính phủ không sớm hành động để tìm kiếm và giải cứu các con tin được cho là mất tích nhiều tháng qua. Một số ý kiến lại cho rằng, hai con tin đã phớt lờ cảnh báo của chính phủ khi đến Syria, nơi nguy hiểm nhất thế giới hiện nay… Cuộc khủng hoảng con tin cho thấy, bất ổn có thể đến với công dân Nhật Bản ở những nơi cách xa quê nhà hàng nghìn dặm, đòi hỏi chính phủ cần áp dụng chính sách an ninh cần thiết, chủ động hơn ở bên ngoài khu vực Đông Á.

Với những ràng buộc trong Hiến pháp, Nhật Bản không thể "sát cánh" trực tiếp với Mỹ trong liên minh quốc tế chống IS. Nhật Bản không được phép phát động cuộc tấn công vũ trang nhằm vào IS ngay cả khi Tokyo mới đây đã thay đổi cách hiểu với Hiến pháp. Song điều đó không có nghĩa quốc gia này có thể thoát khỏi nguy cơ trước các tổ chức khủng bố quốc tế: Vào năm 2003, hai nhà ngoại giao Nhật Bản bị thiệt mạng trong một cuộc tấn công phục kích ở Iraq; năm 2004 và 2005, một số công dân Nhật Bản bị bắt làm con tin cũng ở quốc gia này; năm 2012, một nhà báo người Nhật Bản bị thiệt mạng do tấn công khủng bố ở Syria; và tháng 1-2013, 9 công dân Nhật Bản thiệt mạng trong vụ bắt cóc con tin ở nhà máy dầu tại Algeria đã gây chấn động dư luận thế giới… Trong bối cảnh như vậy, vụ IS hành quyết doanh nhân Haruna Yukawa và bắt giữ nhà báo tự do Kenji Goto như "đổ thêm dầu vào lửa" trong dư luận xứ Phù Tang. Đích đến mà những kẻ khủng bố đang hướng tới không chỉ là phô trương sức mạnh của IS mà còn tạo ra làn sóng khủng bố tinh thần với bất cứ quốc gia nào có ý định vai kề vai cùng Mỹ trong cuộc chiến đầy thách thức này.

Người dân Nhật Bản hy vọng điều tồi tệ nhất không xảy ra với nhà báo tự do Kenji Goto trong khi IS vẫn im lặng sau thời hạn trao đổi tù nhân lấy con tin đã hết. Quan điểm từ khi tranh cử của Thủ tướng S.Abe là thúc đẩy vai trò của Nhật Bản trong các vấn đề quốc tế, hợp tác trong cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố. Vì thế, nếu nội các của Thủ tướng S.Abe chấp nhận yêu sách của IS sẽ ảnh hưởng đến quan hệ đồng minh Tokyo - Washington; đồng thời tạo tiền lệ mới trước những hành động khủng bố nhà nước. Khẳng định chính phủ sẽ làm mọi cách để nhà báo Kenji Goto được tự do và trong một phát biểu mới nhất Thủ tướng S.Abe đã tuyên bố: "Nhật Bản sẽ không bao giờ nhượng bộ chủ nghĩa khủng bố và chúng ta sẽ mở rộng hỗ trợ nhân đạo vốn là thứ duy nhất để Nhật Bản tích cực hơn nữa trong tương lai".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhật Bản không nhượng bộ khủng bố

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.