(HNM) - Chính phủ Nhật Bản quyết định triển khai chương trình trợ cấp khẩn cấp cho các sinh viên nước ngoài gặp khó khăn về kinh tế vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo đó, sinh viên nước ngoài nhập cảnh và nhập học vào các trường đại học hoặc các cơ sở giáo dục khác ở Nhật Bản trong thời gian từ nay tới cuối tháng 3 đủ điều kiện hưởng trợ cấp có thể nộp đơn xin trợ cấp trực tiếp bằng tiền mặt 100.000 yên/người (tương đương 860 USD).
Những người được hưởng trợ cấp là các sinh viên gặp khó khăn về kinh tế do chưa tìm được việc làm thêm hoặc các lý do khác. Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ trợ cấp số tiền tương tự cho các sinh viên Nhật Bản và sinh viên nước ngoài đã nhập học ở các trường đại học và cơ sở giáo dục khác nhưng đang gặp khó khăn về kinh tế vì đại dịch.
Cùng với chương trình trợ cấp trên, trong thời gian từ nay tới cuối tháng 5, Nhật Bản sẽ triển khai chương trình ưu tiên cấp phép nhập cảnh cho sinh viên nước ngoài nhằm tạo điều kiện cho họ nhập học vào các cơ sở giáo dục ở nước này. Các chỗ trống trên các chuyến bay hằng ngày sẽ được phân bổ cho các sinh viên nước ngoài muốn học tập ở Nhật Bản.
Tại Hàn Quốc, người đã tiêm đầy đủ vắc xin phòng Covid-19 và có đăng ký lịch sử tiêm chủng sẽ được miễn cách ly khi nhập cảnh từ ngày 21-3. Những người đã hoàn thành tiêm chủng cả ở trong và bên ngoài Hàn Quốc và có đăng ký xác nhận tiêm chủng sẽ được miễn tự cách ly 7 ngày.
Bộ Y tế New Zealand khuyến nghị, với những người mắc Covid-19 sau khi tiêm vắc xin mũi một, cần chờ ít nhất 4 tuần sau khi khỏi bệnh để có thể tiêm mũi thứ hai. Đây cũng là thời gian chờ tiêm được khuyến nghị với những người đã hoàn thành liều cơ bản và muốn tiêm mũi tăng cường. Trong khi đó, những người mắc Covid-19 sau khi tiêm mũi thứ hai được khuyến nghị chờ ít nhất 3 tháng trước khi tiêm mũi tiếp theo. Với những người chưa tiêm vắc xin và mắc Covid-19, thời điểm có thể tiêm là 3 tháng sau khi khỏi bệnh.
Tại Mỹ, Viện Đo lường và Đánh giá y tế tại Đại học Washington đã công bố kết quả nghiên cứu đầu tiên về số ca tử vong do Covid-19 trên toàn cầu, trong đó cho rằng trong hai năm đầu đại dịch, thế giới có thể có đến 18,2 triệu người tử vong, cao gấp 3 lần số liệu thống kê chính thức.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.