(HNM) - Trong bối cảnh nền kinh tế đang cận kề nguy cơ giảm phát, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) vừa buộc phải áp dụng chính sách lãi suất âm lần đầu tiên. Biện pháp được xem là mạnh tay này của Chính phủ Nhật Bản nhằm mục đích kích thích chi tiêu và tăng trưởng nền kinh tế với khả năng phục hồi mong manh.
Đồng yên giảm mạnh sau khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) thực thi chính sách lãi suất âm. |
Các nhà kinh tế ở đất nước Mặt trời mọc kỳ vọng, lãi suất được ấn định ở mức âm 0,1% với một số tài khoản do các thể chế tài chính nắm giữ tại BoJ sẽ khuyến khích đưa lượng tiền gửi trở lại nền kinh tế thông qua chi tiêu hoặc tái đầu tư. Bên cạnh đó, động thái này cũng sẽ mang lại những thay đổi trong cách quản lý quỹ, vốn đang theo một chiều - tiền gửi và tiết kiệm - sang hướng sử dụng tiền để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ngay khi BoJ công bố quyết định áp dụng mức lãi suất âm, đồng yên đã giảm mạnh, có lúc giảm đến 2,2% so với USD - mức giảm lớn nhất kể từ tháng 10-2014. Trong khi đó, chứng khoán Nhật Bản lại tăng 1,9%. Chính sách lãi suất âm được triển khai sau khi Văn phòng Nội các Nhật Bản ra thông báo cho biết, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý IV-2015 của nước này giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2014 do suy giảm chi tiêu tiêu dùng cá nhân - lĩnh vực chiếm tới 60% GDP của nước này. Thêm vào đó, kim ngạch xuất, nhập khẩu cũng bất ngờ lao dốc so với cùng kỳ năm 2014.
Đáng lo ngại hơn là, sự bất ổn của kinh tế Trung Quốc được cảnh báo sẽ "bồi" thêm những tác động không mong muốn, khiến triển vọng bức tranh kinh tế Nhật Bản càng kém sáng sủa. Theo thống kê, khoảng 10.000 tỷ yên (88 tỷ USD) bị áp dụng mức lãi suất trên, chiếm khoảng 4% tổng số tiền trong các tài khoản ngân hàng. Trong khi đó, BoJ tiếp tục áp dụng mức lãi suất 0,1% đối với 210.000 tỷ yên tiền gửi trong năm 2015 bằng việc mua trái phiếu chính phủ theo chính sách nới lỏng tiền tệ. Ngoài ra, mức lãi suất 0% cũng được áp dụng với 40.000 tỷ yên tiền dự trữ bắt buộc cũng như các khoản tiền cung cấp cho các thể chế tài chính theo chương trình của BoJ nhằm thúc đẩy cho vay đầu tư vào các lĩnh vực tăng trưởng và các dự án phục hồi sau thiên tai. Hằng tháng, BoJ sẽ tăng lượng tiền được hưởng lãi suất 0% nhằm tránh các tác động ngược thái quá lên các ngân hàng khi áp dụng lãi suất âm quy mô lớn.
Trên thế giới, nhằm vượt thoát trì trệ thời hậu khủng hoảng, không ít quốc gia đã áp dụng "liệu pháp" lãi suất âm để chống giảm phát. Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) là một ví dụ điển hình, khi áp dụng chính sách này vào năm 2014 và sau đó là Thụy Sĩ. Đến thời điểm này, có thể nói rằng, quyết định của ECB là đúng hướng, mang lại sự cải thiện đáng kể về chỉ số kinh tế cho Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone). Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, đây không phải là liều thuốc thần với trường hợp của Nhật Bản. Dù chính sách lãi suất âm có thể mang lại cho xứ Phù tang chuyển biến tích cực tức thì, song Cơ quan xếp hạng tín dụng Standard & Poor cho rằng, lãi suất âm có thể làm giảm 15% lợi nhuận hoạt động của các ngân hàng khu vực và 8% lợi nhuận của các ngân hàng lớn trong năm tài khóa 2016. Do đó, Chính phủ Nhật Bản cần thêm thời gian để phân tích các tác động phụ.
Để nền kinh tế thoát khỏi bờ vực giảm phát, Chính phủ Nhật Bản cần triển khai đồng đều 3 mũi tên trong chiến lược "kiềng ba chân" mà Thủ tướng Shinzo Abe đưa ra cuối năm 2012 gồm: kích thích tiền tệ, chính sách tài khóa linh hoạt và khuyến khích tăng trưởng đầu tư tư nhân. Hiện tại, mũi tên thứ nhất - kích thích tiền tệ - của Nhật Bản được cho là đã "trúng đích" và đang phát huy hiệu quả khiến nền kinh tế xứ Mặt trời mọc có dấu hiệu phục hồi. Nếu hai mũi tên còn lại không chệch hướng sẽ hợp sức giúp nền kinh tế đứng thứ 3 thế giới có triển vọng tươi sáng hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.