Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhập siêu và cơ cấu kinh tế

Hữu Văn| 10/08/2010 06:27

(HNM) - Theo Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, nhìn chung kinh tế Việt Nam 7 tháng đầu năm đang phát triển theo chiều hướng tích cực. Xuất khẩu tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt khoảng 45,7 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ, nhập siêu ước khoảng 7,4 tỷ USD, bằng 19,45% tổng kim ngạch xuất khẩu.


Tuy nhiên, theo các nhà phân tích thì khi nào cơ cấu nền kinh tế chưa thực sự hợp lý, trong khi thu nhập người dân ngày một tăng, tất yếu sẽ kéo theo nhu cầu nhập khẩu ngày một lớn.

Thép là một trong những mặt hàng thiết yếu chiếm tỷ trọng nhập khẩu 29% so với xăng, dầu: 11,6%; máy móc thiết bị 13%. Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm đã có gần 222.000 tấn thép cuộn được nhập về, tăng 124% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do chi phí sản xuất cao, giá thép nhập rẻ hơn từ 500.000 - 700.000 đồng (VND)/tấn so với trong nước.

Trong khi đó, do nôn nóng thu hút đầu tư, nhiều địa phương vẫn cấp phép cho nhiều dự án sản suất thép, dẫn đến nguy cơ phá vỡ cơ cấu ngành thép. Theo quy hoạch phát triển ngành thép giai đoạn (2007-2015) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 4-9-2007, cả nước sẽ có tổng số 23 dự án đáp ứng nhu cầu sử dụng thép đến 2015 khoảng 15 triệu tấn. Nhưng đến năm 2009, cả nước đã có tới 65 dự án gang thép. Riêng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 16 dự án thép. Trước tình hình đó, Bộ Công thương đã có văn bản yêu cầu các tỉnh, thành phố tạm dừng cấp phép các dự án thép xây dựng thông thường. Việc các dự án thép ồ ạt ra đời không chỉ phá vỡ quy hoạch, mà còn dẫn đến dư thừa công suất; tài nguyên bị khai thác bừa bãi và làm mất cân đối cung cấp điện vốn đang gặp không ít khó khăn trong bài toán cung cầu. Và liệu sản phẩm thép có đáp ứng được nhu cầu thị trường hay thép sản xuất trong nước không tiêu thụ được trong khi vẫn đổ ngoại tệ, nhập khẩu thép?

Đó là mới đề cập đến cơ cấu một ngành, còn nếu nói đến quy mô của cả nền kinh tế thì thấy năng lực sản xuất trong nước còn nhiều bất cập. Các mặt hàng tiêu dùng như ô tô, điện tử, hàng nội thất, điện thoại di động, mỹ phẩm… cho đến lúa, gạo, hoa quả, thậm chí đôi đũa tre, cái tăm tre… cũng nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan… Nhiều mặt hàng trong nước hoàn toàn có thể sản xuất được, nhưng vẫn phải nhập khẩu, trong đó có nhiều mặt hàng nhập khẩu theo cách xuất nguyên liệu, nhập thành phẩm.

Vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế là một bài toán khó, nhưng không thể không làm. Ngoài sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ các ngành kinh tế, các đơn vị doanh nghiệp phải năng động, tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, tìm ra hướng đi phù hợp sản xuất đáp ứng nhu cầu của sản xuất và đời sống. Có như vậy mới thúc đẩy kinh tế phát triển một cách bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhập siêu và cơ cấu kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.