(HNM) - Đời Lý và Trần, dân các vùng nhập cư vào Thăng Long không nhiều và chủ yếu là những người đỗ đạt làm quan, đã đưa cả gia đình ra kinh đô sinh sống.
Một số khác có nghề xây cất nhà cửa, lâu đài đã đến đây xây dựng các công trình cho vua và các quan trong triều. Nguyên nhân chính khiến người dân ở các vùng quê không dứt áo ra kinh đô là do chế độ sở hữu đất đai công. Chế độ công hữu đất đai cũng bảo đảm cho người dân nông thôn có cuộc sống tối thiểu nên ít người mạo hiểm đặt cược tương lai vào kinh đô, nơi mà họ chưa biết.
Nhà Lê chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo nên trọng "sĩ, nông" hơn "công, thương" và ngay khi còn đóng quân ở Bồ Đề để vây quân Minh trong thành Đông Quan, Lê Lợi đã ra lệnh cho tất cả những kẻ lang thang cơ nhỡ phải trở về quê trồng cấy và chỉ những ai sống ở Đông Quan (giặc Minh đổi Thăng Long thành Đông Quan) mới được phép ở lại buôn bán. Khi vào thành tháng 4-1428, Lê Lợi đã cho phân làm hai loại ruộng đất là đất tư và đất công. Ai cũng được chia một phần đất để canh tác riêng, phần còn lại là đất công và Nhà nước không đánh thuế hoa lợi phần đất công. Phần hoa lợi thu thuế này được chính quyền các địa phương sử dụng xây dựng các công trình văn hóa, chùa chiền, đường làng và tất nhiên các quan chức địa phương cũng lợi dụng bỏ vào túi họ. Chính sách tư hữu đất đai đã tác động ngay đến các làng nghề ven thành Đông Kinh (năm 1430, Lê Lợi cho đổi Đông Quan thành Đông Kinh) bởi họ yên tâm đã có đất ở quê nên những người đàn ông chỉ ra Đông Kinh tìm cơ hội bán các sản phẩm thủ công mà họ đã làm trong lúc nông nhàn. Dù lúc này nghề thủ công và thương mại bị cấm đoán, nhưng nhiều làng nghề vẫn âm thầm ra kinh đô và vì thế Đông Kinh trở nên đông đúc chật trội. Và đây là thời kỳ dân nhập cư vào kinh đô lớn nhất tính từ khi Thăng Long trở thành kinh đô Đại Việt.
Lao động phổ thông là đối tượng nhập cư lớn vào Hà Nội. Ảnh: Khánh Nguyên |
Để hạn chế dân ra kinh đô, năm 1461 triều đình đã có chỉ dụ cấm dân không được buôn bán và làm nghề thủ công ở Đông Kinh. Nhà nước mở các xưởng thủ công gọi là bách tác với nhiều ngành nghề khác nhau và các xưởng thủ công của triều đình vẫn phải sử dụng thợ có tay nghề. Triều đình cũng độc quyền trong giao dịch thương mại nhưng dù có lệnh cấm song một số quan lại trong triều lại muốn mở cửa hàng kinh doanh buôn bán vì họ học được một số kỹ thuật nghề thủ công ở nước ngoài khi đi sứ như, thượng thư Lê Công Hành mang nghề thêu từ Trung Quốc về đã dạy dân một số làng như Hướng Dương, Vũ Lăng, Đào Xá, những sản phẩm của họ làm ra lại trở lại Đông Kinh để vợ quan tiêu thụ. Tuy nhiên, có quan vượt quá giới hạn và họ phải trả giá đắt, như Lê Thụ lén lút buôn bán với thương nhân nước ngoài đã bị triều đình bỏ tù và phạt tiền bằng số lãi thu về...
"Đại Việt sử ký toàn thư" chép: Vì Đông Kinh ứ dân nên năm 1481, Lê Thánh Tông đã ra chỉ dụ bắt tất cả dân ra sinh sống ở đây phải trở về quê. Một viên quan là Quách Đình Bảo đã can gián để bãi bỏ chỉ dụ này: "Làm thế thì nơi kinh sư buôn bán sẽ thưa thớt, không còn sầm uất, phồn thịnh nữa, không những người làm nghề buôn bán sẽ thất nghiệp nhiều mà chợ búa sẽ trống rỗng, ngạch thuế có thể sẽ thiếu hụt, có phần không tiện". Sau đó, Lê Thánh Tông bãi chỉ dụ nhưng người buôn bán phải đăng ký vào sổ hộ tịch và sổ thuế do các phường quản lý.
Nghề thủ công gắn liền với thương mại và khi thương mại bị hạn chế thì nghề thủ công không có cơ hội để phát triển và họ cũng không thể mang nghề ra kinh đô tính chuyện làm ăn lâu dài. Đến thế kỷ XVII, gió đã xoay chiều. Dưới chế độ chúa Trịnh, chính quyền kiềm chế được việc buôn bán với nước ngoài, song không thể kiềm chế được buôn bán ở kinh thành. Vì cần tiền cho việc xây cung điện, xây lầu và các thú ăn chơi xa xỉ nên các quan không ngần ngại lao vào hoạt động thương mại sinh lời. Theo Pan Dinggui (người Trung Quốc), tác giả của cuốn "Relation d'un voyage au Tonkin, "Việc buôn bán luôn do phụ nữ đảm nhận, thậm chí cả phu nhân các quan lớn. Vì thế, họ không sợ vi phạm quy định cấm buôn bán". Đầu thế kỷ XVII, triều đình đã nới lỏng "việc ngăn sông cấm chợ" nhằm tạo điều kiện cho nghề buôn bán phát triển như: ổn định tiền tệ, thống nhất đơn vị đo lường, giảm thuế nhập thị, bỏ gần hết thuế đò, bỏ thuế chợ ở nông thôn... Tất cả những chính sách đó đã khiến các làng nghề thủ công có cơ hội ra kinh đô mở xưởng sản xuất, làm theo đặt hàng và bán lẻ, bán buôn sản phẩm do chính họ làm ra. Khi các Công ty Đông Ấn Anh, Đông Ấn Hà Lan được phép mở đại diện thương mại ở Thăng Long, họ cũng được phép giao dịch mua các sản phẩm thủ công như: sơn mài, lụa thô, gốm xuất ra nước ngoài, đồng thời bán đồng để đúc tiền và vũ khí, sau đó là sắt, chì thì bộ mặt Thăng Long thay đổi hẳn. Chính sự có mặt của Công ty Đông Ấn Anh và Đông Ấn Hà Lan đã tạo cơ hội cho các làng nghề phát triển vì các nhà buôn nước ngoài đã ứng vốn cho họ. Và để thuận tiện giao thương, nhiều làng nghề đã kéo ra Thăng Long. Có thể nói, cuối thế kỷ XVII đã mở đầu cho làn sóng nhập cư vào Thăng Long thế kỷ XVIII. Trong cuốn "Revue Indochinoise" (xuất bản năm 1909), tác giả Dampier viết: "Thuyền trưởng Pool mua ở Thăng Long gần một trăm nghìn chiếc chén nhỏ bằng gốm và mang bán ở Soumatra lãi được một số tiền lớn". Còn trong cuốn "A description of the kingdom of Tonqueen", Samuel Baron đã mô tả Thăng Long thế kỷ thứ XVII: "Về mặt diện tích, thành phố này có thể so sánh với nhiều thành phố khác ở Châu Á nhưng về mặt dân số thì đông hơn các thành phố kia rất nhiều, đặc biệt là ngày đầu tháng và rằm. Vì là ngày phiên chợ nên dân từ các làng lân cận đổ về đây với đủ các loại hàng hóa. Nhiều tuyến phố dù khá rộng nhưng vẫn tắc nghẽn, đến nỗi có khi nửa giờ khách bộ hành mới đi được khoảng trăm bước. Trong khu phố này, bán đủ các thứ hàng, mỗi phố chuyên về một mặt hàng riêng, mỗi phố lại được chia thành hai hay ba đoạn; mỗi đoạn do dân của một làng chiếm giữ và chỉ có dân làng đó mới có quyền mở cửa hàng". Và tên Kẻ Chợ xuất hiện trong giai đoạn này.
Sang thế kỷ XIX, khi nhà Nguyễn nhu nhược trước sức ép của nhà Thanh thì người Trung Quốc đã tràn sang mở tiệm buôn ở nhiều con phố Hà Nội. Tính đến năm 1870, Hà Nội có 80.000 dân nhưng sau khi Pháp tấn công thành Hà Nội lần thứ nhất (1873) và lần thứ 2 (1882), rồi bị quân Cờ Đen, Cờ Vàng cướp phá, thành phố trở nên vắng ngắt. Khi thành phố Hà Nội (nằm trong tỉnh Hà Nội ) trở thành nhượng địa của thực dân Pháp và trở thành thủ đô của Liên bang Đông Dương năm 1902 thì dân số tăng vọt từ 50.000 năm 1880 lên 200.000 năm 1940.
Ngày 10-10-1954, hàng nghìn bộ đội, cán bộ, công nhân từ chiến khu trở về. Để ổn định cuộc sống, rất nhiều trong số đó đã đưa vợ con và cha mẹ ở quê ra Hà Nội sinh sống, khiến thành phố đông đúc. Để ngăn chặn và kiểm soát dân di cư ra Hà Nội, Nhà nước đã đưa ra chính sách hộ khẩu. Tuy nhiên, Hà Nội cũng đã đông đúc rồi.
Năm 1986, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã đề ra đường lối đổi mới và đầu năm 1989 bỏ hẳn chế độ tem phiếu nhưng người nhập cư vào Hà Nội cũng không nhiều. Sang đầu những năm 1990, người nhập cư đông hẳn. Nguyên nhân là Hà Nội cần lao động, Hà Nội là nơi tập trung hầu hết trường đại học. Nguyên nhân khác là các vùng quê dư thừa lao động do mất đất canh tác vì đô thị hóa... Theo số liệu điều tra dân số Hà Nội thực hiện ngày 1-4-2009, tỷ suất nhập cư từ năm 2005 đến 2009 luôn là 65,3%, trong khi tỷ suất xuất cư là 15,5%, chưa kể số người nhập cư kiếm việc khi nông nhàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.