(HNM) - Tiền đái tháo đường (ĐTĐ) là giai đoạn đường huyết cao nhưng chưa cao đến mức bị ĐTĐ. Nếu được chẩn đoán tiền ĐTĐ sớm, cộng với việc kiểm soát hiệu quả bằng chế độ dinh dưỡng khoa học, vận động hợp lý, kiểm soát cân nặng
Nếu được chẩn đoán tiền ĐTĐ sớm, cộng với việc kiểm soát hiệu quả bằng chế độ dinh dưỡng khoa học, vận động hợp lý, kiểm soát cân nặng và hạn chế căng thẳng, khả năng ngăn chặn nguy cơ phát triển thành ĐTĐ lên đến 58%. Tuy nhiên, hơn 40% người trưởng thành Việt Nam không hề có khái niệm về tiền ĐTĐ. Giới chuyên gia nhận định hiểu biết ít về tiền ĐTĐ là một trong những lý do khiến tỷ lệ mắc tiền ĐTĐ/ĐTĐ không ngừng gia tăng và trở thành một vấn nạn sức khỏe quốc gia.
Tiền ĐTĐ không ngừng tăng mạnh
Theo Liên đoàn ĐTĐ thế giới, hiện nay có hơn 7,9 triệu người Việt Nam nằm trong nhóm tiền ĐTĐ và đang trên đà biến chuyển sang ĐTĐ. The Lancet - Tạp chí Y khoa uy tín của Anh dự đoán đến năm 2013, cứ 10 người Việt thì 1 người có nguy cơ tiền ĐTĐ. Đặc biệt, khảo sát của Nielsen cho thấy, phụ nữ có nguy cơ ĐTĐ cao hơn, đặc biệt là rơi vào nhóm tuổi 40-49. Điều đáng lo ngại là có khoảng 40% người Việt không có khái niệm về tiền ĐTĐ, 80% trong số đó thừa nhận bản thân biết rất ít hoặc không biết các biện pháp phòng tránh và đẩy lùi ĐTĐ.
Kiểm soát bệnh đái tháo đường bằng lối sống tích cực, trong đó dinh dưỡng là then chốt. |
Tiền ĐTĐ là tình trạng đường huyết cao nhưng chưa cao đến mức bị ĐTĐ. Tiền ĐTĐ cũng được biết tới với cái tên rối loạn đường huyết lúc đói (IFG) hoặc rối loạn dung nạp glucose (IGT).
Hiện nay, có hai cách phổ biến để phát hiện, chẩn đoán tiền ĐTĐ. Với cách thử huyết tương tĩnh mạch đường huyết đói (FPG), (nhịn đói qua đêm và lấy máu tĩnh mạch vào sáng hôm sau, trước khi ăn): 100mg/dL đến 125mg/dL (5,6mmol/L-6,9 mmol/L).
Với xét nghiệm rối loạn dung nạp glucose (OGTT) (xét nghiệm đường huyết đói buổi sáng sau một đêm không ăn và làm xét nghiệm thêm sau 2 giờ uống một dung dịch chứa đường đặc biệt): 140mg/dL đến 199 mg/dL (7,8 đến 11,1 mmol/L).
Tiền ĐTĐ là dấu hiệu cảnh báo sớm với những người đối mặt với nguy cơ ĐTĐ bởi nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, 40% - 50% người tiền ĐTĐ nếu không có biện pháp kiểm soát bằng lối sống tích cực đều tiến triển thành ĐTĐ typ 2 trong vòng 10 năm. Người nào có đường huyết đói trên 125mg/dL hoặc đường huyết 2 giờ sau khi uống đường từ 200mg/dL trở lên được coi là ĐTĐ.
Những người tiền ĐTĐ không những có nguy cơ cao chuyển biến sang ĐTĐ, khi mắc ĐTĐ sẽ có nguy cơ đối mặt với các biến chứng khác như các bệnh tim mạch, đột qụy, mù lòa, suy thận mạn, đoạn chi.
Kiểm soát ĐTĐ bằng lối sống tích cực
Theo Chương trình phòng chống ĐTĐ thuộc Hiệp hội ĐTĐ Hoa Kỳ, 58% người tiền ĐTĐ nếu có lối sống tích cực có thể kiểm soát để giảm nguy cơ bị ĐTĐ. Lối sống tích cực được hiểu gồm dinh dưỡng khoa học, hợp lý; luyện tập thể lực thường xuyên và đều đặn; kiểm soát cân nặng và hạn chế lo âu, căng thẳng.
Lối sống tích cực được các chuyên gia y tế khuyến cáo là giải pháp ưu tiên để quản lý bệnh, trước cả phương pháp can thiệp bằng thuốc vì tính chủ động, an toàn, hiệu quả trong kiểm soát đường huyết và giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Tuy vậy, người ĐTĐ và tiền ĐTĐ đều cho rằng thay đổi thói quen ăn uống, chế độ dinh dưỡng, tập luyện thể dục thể thao đều đặn và kiểm soát cân nặng - vòng eo là thật sự thử thách đối với họ.
Tin vui cho người tiền ĐTĐ và ĐTĐ là những sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt cho ĐTĐ là giải pháp khoa học và hiệu quả, hỗ trợ tích cực quá trình quản lý, điều trị ĐTĐ. Cũng theo khảo sát của Nielsen, 96% chuyên gia đồng ý rằng những sản phẩm này rất hữu ích trong chương trình quản lý ĐTĐ. Tuy nhiên, chỉ có 11% người tiền ĐTĐ và ĐTĐ đã và đang sử dụng những sản phẩm chuyên biệt này. Điều đó cho thấy nhiều người vẫn đang bỏ lỡ cơ hội tiếp cận những giải pháp dinh dưỡng tiên tiến, có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát ĐTĐ.
Trước tình trạng gia tăng số người ĐTĐ và nền tảng kiến thức về ĐTĐ chưa cao, các chuyên gia về ĐTĐ cảnh báo, nhóm người có nguy cơ cao, gồm những người trên 45 tuổi, có người thân trực hệ bị ĐTĐ, phụ nữ có tiền sử sinh con trên 4kg hoặc bị ĐTĐ thai kỳ, tăng huyết áp, béo phì, rối loạn lipid máu… nên làm xét nghiệm 6 tháng/lần để theo dõi tiền ĐTĐ. Sớm chẩn đoán ngay từ khi có nguy cơ là "lá chắn" vững chắc nhất cho cơ thể trước nguy cơ tiền ĐTĐ và ĐTĐ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.