Y tế

Tỷ lệ đái tháo đường trên toàn quốc là 4,1%

Thu Trang 14/08/2024 - 14:36

Theo một kết quả điều tra về các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm do Bộ Y tế thực hiện ở nhóm tuổi từ 18-69 cho thấy, tỷ lệ đái tháo đường trên toàn quốc là 4,1%.

Ngày 14-8, tại Trung tâm Y tế quận Tây Hồ, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Bệnh viện Tim Hà Nội tổ chức khai giảng khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về bệnh lý tăng huyết áp và đái tháo đường cho bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng thuộc trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã.

dao-tao-1.jpg
Chương trình đã thu hút hơn 1.130 lượt học viên là các cán bộ, nhân viên y tế đến từ 25 trung tâm y tế trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Thu Trang

PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, tăng huyết áp và đái tháo đường là hai yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của bệnh tim mạch. Đây cũng là những bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất ở Việt Nam và toàn cầu.

Đặc biệt, tăng huyết áp là căn bệnh nguy hiểm, được coi là “kẻ giết người thầm lặng” khi gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến não, tim, mắt, các mạch máu lớn... Nguy hiểm hơn, người bệnh không phải lúc nào cũng có các triệu chứng đau đầu, chóng mặt nên họ không biết mình mắc bệnh.

Bên cạnh đó, đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa đang có xu hướng tăng cao trong những năm gần đây, ở cả trẻ em, nhưng tỷ lệ chưa được chẩn đoán trong cộng đồng còn cao.

Theo một kết quả điều tra về các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm do Bộ Y tế thực hiện ở nhóm tuổi từ 18-69 cho thấy, tỷ lệ đái tháo đường trên toàn quốc là 4,1%, tiền đái tháo đường là 3,6%.

Điều đáng nói, bệnh đái tháo đường gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận và cắt cụt chi. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, 70% trường hợp đái tháo đường type 2 có thể dự phòng hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh bằng việc tuân thủ lối sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý và tăng cường luyện tập thể lực.

Phát biểu tại lễ khai giảng, TS Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngành Y tế đã tham mưu cho UBND thành phố Hà Nội xây dựng đề án nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế công lập; trong đó trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã cần làm tốt việc quản lý, chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp và đái tháo đường ngay tại địa phương.

dao-tao-2.jpg
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội và quận Tây Hồ trao tặng sách, phác đồ điều trị bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường cho các đơn vị tham gia khóa đào tạo. Ảnh: Thu Trang

Theo TS Nguyễn Đình Hưng, việc tổ chức các khóa đào tạo, nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị, dự phòng sớm đối với bệnh nhân mắc tăng huyết áp và đái tháo đường ngay tại tuyến y tế cơ sở là vô cùng quan trọng, giúp giảm tỷ lệ biến chứng, tăng cường các biện pháp dự phòng, điều trị. Nhờ đó, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

“Riêng với bệnh đái tháo đường, tổng chi phí từ quỹ bảo hiểm y tế chiếm khoảng 4,5%. Nếu chúng ta làm tốt công tác quản lý người bệnh ngay tại tuyến y tế cơ sở sẽ giúp tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả điều trị”, ông Hưng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tỷ lệ đái tháo đường trên toàn quốc là 4,1%

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.