(HNM) - Vừa qua, tại Ninh Thuận - địa phương được quy hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) đầu tiên của Việt Nam - Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga (ROSATOM) và Cục Năng lượng nguyên tử đã tổ chức hội thảo
Châu Á đẩy mạnh phát triển điện hạt nhân
Theo Tổ chức Năng lượng nguyên tử thế giới (IAEA), từ nay tới năm 2030, các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ trở thành tâm điểm trong việc mở rộng năng lượng hạt nhân của toàn thế giới. Tính đến tháng 10-2015, Trung Quốc đang vận hành 25 lò phản ứng ĐHN, sản lượng năm 2014 đạt 123,8 tỷ kWh, chiếm 2,4% tổng sản lượng điện sản xuất và nước này đang gấp rút gia tăng nguồn năng lượng này trong khoảng 10 năm tới. Do đó, Trung Quốc hiện dẫn đầu thế giới về số nhà máy ĐHN đang xây dựng mới, với 25 nhà máy. Một cường quốc ĐHN khác ở Châu Á là Hàn Quốc cũng đang vận hành 23 lò phản ứng phát điện, với sản lượng chiếm khoảng 1/3 tổng sản lượng điện thương phẩm.
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án ĐHN Ninh Thuận giới thiệu về sơ đồ nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1. |
Các yếu tố như nhu cầu năng lượng tăng cao, an ninh năng lượng và những quan ngại về môi trường suy thoái đang mở đường cho sự phát triển ĐHN ở Châu Á, nhất là Ấn Độ và Trung Quốc. Trong khi đó, tại Nhật Bản và Hàn Quốc, vấn đề phát triển ĐHN không phải vì lý do bùng nổ dân số mà do sự thiếu hụt, cạn kiệt năng lượng hóa thạch và nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện triều…) có suất đầu tư lớn. Do đó, với hai quốc gia này, năng lượng hạt nhân trở nên vô cùng hấp dẫn khi xét đến lý do an ninh năng lượng. Đặc biệt với Nhật Bản, yêu cầu giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng cũng là một nguyên nhân quan trọng để lựa chọn phát triển ĐHN. Sau khi phải ngừng toàn bộ hoạt động các nhà máy ĐHN sau sự cố tháng 3-2011 để xem xét lại các yếu tố kỹ thuật và đối mặt với tình trạng thiếu điện trên diện rộng, mới đây Nhật Bản đã bắt đầu tái khởi động các tổ máy phát ĐHN đầu tiên và sẽ hòa lưới điện thương mại trong năm 2016.
Trong khi đó, các quốc gia khác ở Châu Á như Iran, Pakistan, Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất, Lebanon, Bangladesh… đang hoặc chuẩn bị xây dựng các nhà máy ĐHN. Ở Đông Nam Á, ngoài Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Thái Lan cũng đã có những bước đi đầu tiên nhằm tiến tới phát triển ĐHN để giải tỏa cơn khát năng lượng ngày càng cao.
TS Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử: Vừa rồi, TP Hà Nội đã thông qua kế hoạch tuyên truyền về phát triển ĐHN đến năm 2020 với tổng kinh phí dự kiến khoảng 20 tỷ đồng. Việc làm này theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong đề án 370 về tuyên truyền ĐHN ở Việt Nam đến năm 2020. Không chỉ riêng Hà Nội, những năm qua, Ninh Thuận chính là địa bàn tổ chức tuyên truyền nhiều nhất, giúp người dân hiểu rõ những lợi ích của ĐHN đối với kinh tế - xã hội. Ngoài Hà Nội, Ninh Thuận, hiện chúng tôi cũng đã nhận được kế hoạch tuyên truyền về phát triển ĐHN của TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Bình Định, Phú Yên - những địa bàn được xác định là cần đẩy mạnh tuyên truyền hơn cả cho kế hoạch xây dựng một nền công nghiệp hạt nhân vì mục đích hòa bình. |
Truyền thông phải đi trước một bước
Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất rằng, để kế hoạch phát triển ĐHN thuận lợi thì vai trò ủng hộ của cộng đồng là tối quan trọng. Ông Srisht Pall Singh, nguyên Vụ trưởng Vụ An toàn hạt nhân (Cơ quan Pháp quy năng lượng hạt nhân Ấn Độ) đã chia sẻ về sự chấp thuận của công chúng đối với ĐHN tại Ấn Độ. Ông S.P.Singh cho rằng, Ấn Độ có thể là một ví dụ tốt cho Việt Nam vì nước này đã vận hành thành công 21 lò phản ứng, 6 tổ máy đang được xây dựng và ít nhất 12 tổ máy đã được lên kế hoạch xây dựng trong 20 năm tới. Theo ông, tất cả những kế hoạch này sẽ không thể thực hiện được nếu không có tiến trình chinh phục sự đồng thuận của công chúng thông qua công tác tuyên truyền liên tục cả trước, trong và sau khi nhà máy ĐHN đi vào hoạt động.
Ông S.P.Singh nhấn mạnh: Mấy năm trước, Ấn Độ gặp thiên tai lớn như động đất, cảnh báo sóng thần… nhưng người dân nước này không quá hoảng sợ trước ĐHN. Để có được điều này là một quá trình chuẩn bị lâu dài của chính phủ trong việc xây dựng "văn hóa an toàn" cho cộng đồng. Ngoài ra, những kế hoạch ứng phó thiên tai đã chuẩn bị trước đó luôn được thực thi nghiêm túc để người dân nhìn vào đó thấy sự nỗ lực, chủ động của chính phủ trong mọi vấn đề luôn ở mức cao nhất. Đối với những khu vực có nghi ngờ nhiễm xạ thì cần giải quyết dứt điểm nhằm tránh hoang mang, hiểu lầm… Tóm lại, từ lời nói đến hành động cần phải nhất quán thì kế hoạch phát triển ĐHN mới có thể được sự ủng hộ rộng rãi.
Ông Arcady Karneev, Giám đốc truyền thông khu vực Đông Nam Á (ROSATOM Châu Á) khẳng định: Công luận có nhiều hiểu lầm, cộng với những vấn đề như thử vũ khí hạt nhân, sự cố hạt nhân… khiến kế hoạch phát triển ĐHN ở những nước bắt đầu xây dựng nhà máy ĐHN không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Ngay như sự cố Fukushima ở Nhật Bản tháng 3-2011, không có ai chết trực tiếp do nguyên nhân nhiễm xạ trong khi gần 2 vạn người đã chết về động đất, sóng thần. Do đó, trong kế hoạch phát triển ĐHN, chính phủ các nước cần phải minh bạch thông tin, có kế hoạch ứng phó rõ ràng và khi cần thì phải hồi đáp nhanh nhằm giải tỏa dư luận… Đây là con đường chung nhất để xây dựng ngành công nghiệp ĐHN thực sự hữu ích, đóng góp quan trọng vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.