Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhân lên niềm vui Xuân

Duy Biên| 31/12/2019 06:42

(HNM) - Chỉ còn hơn 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, điều người lao động mong mỏi nhất lúc này là được nhận đầy đủ lương, thưởng để đón một cái Tết yên vui, trọn vẹn cùng gia đình sau một năm lao động vất vả. Đặc biệt, đối với người lao động, ngoài khoản lương, tiền thưởng Tết còn mang ý nghĩa tinh thần rất lớn. Câu “Trăm đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng” cũng phần nào nói lên ý nghĩa và giá trị của tiền thưởng với người lao động, nhất là vào dịp Tết cổ truyền.

Năm nay, mức thưởng Tết Nguyên đán bình quân cho người lao động trên địa bàn Hà Nội tăng khoảng 5% so với năm trước do hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Thủ đô phát triển, khởi sắc. Tuy nhiên, mức thưởng Tết tại các đơn vị cũng có nhiều “thang bậc” khác nhau, tùy thuộc vào thành quả của doanh nghiệp đạt được cũng như hiệu quả làm việc của mỗi người lao động. Cũng vì thế, có đơn vị thưởng Tết lên tới hàng trăm triệu đồng, nhưng cũng có đơn vị thưởng cho người lao động chỉ vài trăm nghìn đồng hoặc thậm chí ít hơn.

Thưởng Tết đã trở thành một nét đẹp văn hóa, là sự ghi nhận công lao đóng góp của người lao động trong một năm làm việc. Vì thế, nếu việc thưởng Tết mang tính chiếu lệ sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ gắn bó giữa người lao động và doanh nghiệp.

Để nhân lên niềm vui mỗi dịp Tết đến, Xuân về, các cấp công đoàn cần có những hoạt động mang tính dẫn dắt, định hướng để vận động, phát huy nguồn lực của toàn xã hội. Trong đó, cần đặc biệt hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nhất là người lao động nhiều năm chưa có điều kiện về quê sum họp với gia đình.

Ngoài ra, các cấp công đoàn phải chủ động đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng trong dịp Tết; kịp thời phát hiện và có giải pháp hiệu quả đảm bảo quyền lợi của người lao động ở các doanh nghiệp gặp khó khăn, chủ bỏ trốn hoặc giải thể, phá sản...

Việc chi trả mức thưởng Tết cao cho người lao động cũng là một cách quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp. Do đó, bên cạnh ý nghĩa nhân văn là chăm lo Tết cho người lao động thì ở một khía cạnh khác, điều này cũng mang lại lợi ích dài lâu cho doanh nghiệp khi vừa khẳng định được chữ tín, vừa giữ chân được các lao động giỏi.

Vì vậy, chủ doanh nghiệp phải ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bảo đảm quyền lợi của người lao động khi ký thỏa ước lao động tập thể. Trong đó, chủ doanh nghiệp, đơn vị phải thanh toán đầy đủ, đúng thời hạn lương, thưởng Tết cho người lao động.

Trên thực tế, mức thưởng Tết thấp hay cao phần lớn tùy thuộc vào “sức khỏe” của doanh nghiệp. Mối quan hệ giữa người lao động và doanh nghiệp là mối quan hệ cộng sinh bền chặt, nên bản thân người lao động cũng phải có ý thức đóng góp cho doanh nghiệp, vì một sự phát triển chung. Bởi vậy, người lao động cần chấp hành tốt quy định của pháp luật, phát huy các sáng kiến, kinh nghiệm để công việc luôn hiệu quả, để tiền thưởng Tết năm nay sẽ cao hơn năm trước.

Người lao động chính là tài sản quan trọng, quyết định đến sự phát triển của doanh nghiệp. Vì thế, bên cạnh những mức thưởng có thể quy đổi thành giá trị vật chất, thưởng Tết cũng có thể là những việc làm mang tính nhân văn, không dễ đong đếm.

Tết cổ truyền đang đến gần, sự quan tâm, chăm lo cho người lao động của mỗi doanh nghiệp, cơ quan, đoàn thể, nhà hảo tâm sẽ giúp họ nhân lên niềm vui Xuân, yên tâm cống hiến cho doanh nghiệp, xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhân lên niềm vui Xuân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.