(HNM) - Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội vừa tổ chức Hội thảo
Lựa chọn thực phẩm tại một cửa hàng thực phẩm an toàn ở quận Cầu Giấy. Ảnh: Anh Tuấn |
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, trung bình một năm, thành phố cung ứng khoảng 1.000 tấn thịt lợn, đáp ứng được 70% nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô; cá các loại là 700 tấn, đáp ứng 32% và 2.500 tấn rau, củ… Số còn lại phải nhập từ các địa phương khác và nước ngoài.
Trưởng phòng Xúc tiến nông nghiệp (Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội) Nguyễn Bá Bằng cho biết: Để giới thiệu đến người tiêu dùng Thủ đô nông sản sạch, địa chỉ cung ứng tin cậy, Trung tâm đã tổ chức nhiều hội thảo, hội chợ kết nối cung - cầu giữa người sản xuất, tiêu dùng và doanh nghiệp. Trong bối cảnh vệ sinh an toàn thực phẩm đang nhức nhối như hiện nay thì việc tìm những địa chỉ cung ứng sạch rất quan trọng đối với người tiêu dùng.
Bà Bùi Thu Hà, quận Cầu Giấy chia sẻ: Ngoài hàng hóa, thực phẩm nguồn gốc rõ ràng được bày bán trong siêu thị, ở Hà Nội còn nhiều hàng hóa tại các chợ không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng. Do đó, việc trang bị kiến thức nhận diện thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng là cần thiết. Thông qua hội thảo, các chuyên gia đã hướng dẫn người dân cách phân biệt, nhận biết nông sản, thực phẩm an toàn. Ví như mua gà phải chọn con khỏe mạnh, mào đỏ tươi, da, lông mềm, lỗ chân lông nhỏ, đùi to, chắc, chân nhỏ; nên chọn gà mái tơ; mua gà công nghiệp nên chọn con có trọng lượng từ 2kg trở lên; nếu mua làm sẵn nên chọn gà có màu vàng nhạt, bởi vàng đậm có thể do người bán ngâm vào nước có pha bột sắt; mua vịt nên chọn con trưởng thành, béo, ức tròn, da cổ, bụng dày, mọc đủ lông, mỏ nhỏ, cứng; thịt vịt đực ngon hơn vịt cái; còn mua thịt gia cầm nên chọn thịt có màu sắc tự nhiên, từ trắng ngà đến vàng tươi, mắt sáng; thịt không có vết bẩn, bầm, mốc hoặc vết lạ. Thịt gia cầm hỏng thường có màu vàng thẫm, vàng tím hoặc tối sẫm, mắt vẩn đục.
Giám đốc Công ty TNHH Toản Xuân Trần Quốc Toản cho biết: Doanh nghiệp chuyên cung cấp gạo sạch trên thị trường. Quá trình sản xuất, gạo được doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ từ hạt giống, gieo trồng, chăm sóc, tiêu thụ. Người tiêu dùng có quyền biết được quá trình sản xuất sản phẩm của doanh nghiệp thông qua truy xuất nguồn gốc và được các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức quốc tế uy tín giám định kiểm định theo tiêu chí cụ thể, minh bạch.
Tuy nhiên, sản phẩm của Công ty TNHH Toản Xuân vẫn chưa đến được nhiều với người tiêu dùng Hà Nội. Ông Trần Quốc Toản kỳ vọng, thông qua chương trình kết nối, hội thảo, hội chợ, sản phẩm của doanh nghiệp sẽ được giới thiệu tới người tiêu dùng Thủ đô.
Thực tế cho thấy, chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP Hà Nội với các tỉnh, thành phố trên cả nước đã giúp doanh nghiệp sản xuất chủ động được sản lượng, thị trường tiêu thụ. Nhiều sản phẩm có thế mạnh của các tỉnh được doanh nghiệp của Hà Nội tư vấn hỗ trợ thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói, chất lượng sản phẩm… để đưa vào kênh phân phối hiện đại. Đồng thời, thông qua chương trình kết nối, người tiêu dùng Hà Nội biết đến những địa chỉ cung ứng sản phẩm, thực phẩm sạch, uy tín.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận Cầu Giấy cho biết: So với trước đây, lần này đối tượng tham gia hội thảo, ngoài các nhà sản xuất, doanh nghiệp phân phối, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ quận Cầu Giấy tổ chức mời chị em phụ nữ trên địa bàn quận là những người nội trợ trực tiếp tham gia. Hội thảo này là dịp giao lưu, tìm hiểu, học hỏi giúp người tiêu dùng có thêm thông tin về địa chỉ bán nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố nói chung và quận Cầu Giấy nói riêng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.