Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhận diện rủi ro để sử dụng hiệu quả ChatGPT

Thúy Nhi - Nguyễn Lê| 01/03/2023 15:03

(HNMO) - ChatGPT hay bất kỳ ứng dụng nào từ công nghệ trí tuệ nhân tạo đều do con người tạo ra, điều quan trọng là biết cách sử dụng đúng.

Ngày 1-3, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ thành phố, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm “Ứng dụng ChatGPT trong quản lý Nhà nước, các hoạt động phục vụ người dân và doanh nghiệp: Cơ hội và thách thức”.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức phát biểu tại buổi tọa đàm.

Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố rất quan tâm ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ trên tất các lĩnh vực và ứng dụng ChatGPT hiện được rất nhiều người quan tâm. ChatGPT hay một ứng dụng nào khác cũng là công cụ do con người tạo ra, điều quan trọng là biết cách sử dụng đúng.

Còn Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh Lâm Đình Thắng cho hay, mới đây, nền tảng tư vấn việc làm Resumebuilder đã khảo sát 1.000 nhà lãnh đạo tại các doanh nghiệp đang sử dụng hoặc có dự định sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho thấy khoảng 48% số công ty của họ đã ứng dụng ChatGPT vào công việc. Đối với lĩnh vực của quản lý Nhà nước, ChatGPT có thể có nhiều ứng dụng như hỗ trợ cung cấp các dịch vụ công cho công dân hay hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc ra quyết định. 

“Mặc dù có mặt tích cực nhưng ChatGPT cũng đặt ra những thách thức tiềm ẩn cho quản lý Nhà nước. Cụ thể, việc bảo đảm tính minh bạch, chính xác và an toàn của các thông tin do ChatGPT sinh ra; việc kiểm soát và giải quyết các tranh chấp hay xung đột có liên quan đến ChatGPT. Vì vậy, để sử dụng ChatGPT hiệu quả, chúng ta cần bình tĩnh, thận trọng, xem xét một cách khoa học, tận dụng những lợi thế và xác định những rủi ro để có biện pháp phòng tránh liên quan đến bản quyền, an toàn, an ninh mạng”, ông Lâm Đình Thắng nhấn mạnh.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh Lâm Đình Thắng phát biểu tại buổi tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh đặt hàng các đơn vị nghiên cứu ứng dụng ChatGPT vào bốn lĩnh vực: Thứ nhất, ứng dụng ChatGPT hỗ trợ thành phố nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ; thứ hai, ứng dụng ChatGPT trong việc hỗ trợ cho lãnh đạo thành phố, như xây dựng hệ thống trợ lý ảo, đăng ký và kiểm tra lịch làm việc, tóm tắt hồ sơ, tài liệu; thứ ba, ứng dụng ChatGPT làm trợ lý ảo học tập phục vụ cho giảng viên, giáo viên, sinh viên, học sinh trên địa bàn; thứ tư, nghiên cứu cơ chế bảo mật, quản lý dữ liệu trong việc sử dụng ChatGPT.

Theo PGS.TS Đinh Điền, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học tính toán, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), so với con người, ChatGPT không thông minh hơn nhưng nhanh hơn và kho dữ liệu nhiều hơn. Càng mô tả chi tiết trong câu hỏi thì ChatGPT sẽ đưa ra cách trả lời chi tiết hơn. Tuy nhiên, ChatGPT có những hạn chế nhất định, những câu hỏi về lịch sử Việt Nam ChatGPT trả lời đôi khi không chính xác. Mỗi lần đặt câu hỏi với ChatGPT hoặc dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau sẽ đưa ra những cách trả lời khác nhau, qua đó khó khăn trong vấn đề quản lý thông tin. 

Tiến sĩ Võ Văn Khang, Phó Chủ tịch Chi hội An toàn thông tin phía Nam cho rằng, cần xây dựng cơ chế kiểm định tự động đầu ra của ChatGPT đối với các ứng dụng liên quan đến dịch vụ công. Cũng theo Tiến sĩ Võ Văn Khang, trào lưu ChatGPT đi kèm với những rủi ro tiềm ẩn trên không gian mạng như thông tin giả, thất thoát dữ liệu nhạy cảm, lừa đảo mạng. Vì vậy, phải có cơ chế, công cụ kiểm định tri thức đầu ra, kiểm tra nguồn gốc thông tin, độ tin cậy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhận diện rủi ro để sử dụng hiệu quả ChatGPT

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.