Trong ngày 5-2, nhiều nước đã có các động thái cụ thể đối với ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) DeepSeek, do lo ngại về bảo mật thông tin và dữ liệu cá nhân.
Cụ thể, Italia chặn DeepSeek với lý do lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu.
Cơ quan bảo vệ dữ liệu của Italia (Garante) đã đình chỉ AI DeepSeek sau khi công ty Trung Quốc không trả lời được các câu hỏi chủ chốt về cách thức thu thập, lưu trữ cũng như xử lý các dữ liệu cá nhân. Garante cho rằng những phản hồi của DeepSeek "hoàn toàn không đầy đủ" nên cần cấm ngay lập tức.
Trong phản ứng đáp trả, DeepSeek đã xóa trợ lý AI của mình khỏi các kho ứng dụng của Italia và lập luận rằng công ty này không buộc phải tuân theo các quy định của Italia hay của Garante.
Cũng tại châu Âu, cơ quan chức năng của Pháp và Ireland đang đặt những câu hỏi tương tự về chính sách bảo mật của công ty khởi nghiệp non trẻ đến từ Trung Quốc, thể hiện lập trường nghiêm ngặt của nhiều nước Lục địa già trong bảo vệ quyền riêng tư kỹ thuật số.
Tại châu Á, Australia ngày 5-2 đã "cấm cửa" DeepSeek trên tất cả thiết bị của chính phủ, cũng với lý do tránh các rủi ro về bảo mật. Cụ thể, Bộ Nội vụ nước này đã ban hành chỉ thị bắt buộc "ngăn chặn việc sử dụng hoặc cài đặt các sản phẩm, ứng dụng và dịch vụ web của DeepSeek", đồng thời, yêu cầu xóa tất cả sản phẩm, ứng dụng và dịch vụ web DeepSeek khỏi tất cả các hệ thống và thiết bị của chính phủ.
Bình luận về động thái trên, Bộ trưởng Nội vụ Australia Tony Burke nhấn mạnh, lệnh cấm là "để bảo vệ an ninh quốc gia và lợi ích quốc gia của Australia".
Tương tự, tại Ấn Độ, Bộ Tài chính nước này yêu cầu các nhân viên không sử dụng các công cụ AI như ChatGPT và DeepSeek cho mục đích công việc, viện dẫn những rủi ro về tài liệu và dữ liệu chính phủ.
Hồi đầu tuần này, Đài Loan (Trung Quốc) cũng cấm các cơ quan chức năng sử dụng DeepSeek.
Tại Mỹ, Texas trở thành tiểu bang đầu tiên cấm cài đặt DeepSeek trên các thiết bị do chính quyền cấp. Các thành viên Quốc hội Mỹ cũng được cảnh báo không nên sử dụng DeepSeek để giảm thiểu rủi ro về phần mềm độc hại và dữ liệu. Hạ viện Mỹ thậm chí hạn chế chức năng của DeepSeek trên các thiết bị cấp phát.
Bộ Quốc phòng Mỹ, lực lượng Hải quân Mỹ đều đã ra thông báo cấm nhân viên và binh sĩ sử dụng DeepSeek do "những lo ngại về an ninh và đạo đức". Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cũng có động thái tương tự.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.