Động thái mới được mô tả là để giúp mọi người có thể trải nghiệm những lợi ích của trí tuệ nhân tạo (AI).
Giờ đây, chỉ cần mở ứng dụng hoặc trang web của ChatGPT, người dùng sẽ ngay lập tức được đưa tới màn hình chờ "Tôi có thể giúp gì cho bạn hôm nay?", với các nút tùy chọn đăng ký hoặc đăng nhập.
OpenAI cũng cho biết, đã bổ sung các biện pháp bảo vệ tăng cường đối với những người dùng không có tài khoản, so với người dùng đã đăng nhập. Một trong số đó là việc hạn chế tính năng khởi tạo hình ảnh ở một số hạng mục nội dung nhất định.
Một người phát ngôn của OpenAI cũng cho biết, các nhóm phát triển cơ chế sử dụng không cần tài khoản sẽ thường xuyên túc trực để phòng ngừa các mối đe dọa từ mô hình mới.
Theo thống kê, đã có hơn 100 triệu người ở 185 quốc gia sử dụng ChatGPT hằng tuần. Đây là những con số đáng kinh ngạc đối với một dịch vụ mới đi vào vận hành chưa đầy 2 năm, lại đến từ một công ty non trẻ ít ai biết đến trước đó.
Tuy nhiên, ChatGPT cũng đang đối mặt nhiều nỗ lực cạnh tranh. Mới đây, bảng xếp hạng vừa được công bố của LMSYS, một tổ chức chuyên đánh giá và xếp hạng khả năng của các mô hình ngôn ngữ lớn cho thấy, mô hình ngôn ngữ lớn Claude 3 Opus, được phát triển bởi Anthropic, công ty khởi nghiệp có trụ sở tại San Francisco (Mỹ), đã vượt qua GPT-4-1106-preview của OpenAI để trở thành mô hình ngôn ngữ thông minh nhất thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.