Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhận diện giặc nội xâm

Thế Phương| 09/11/2012 05:53

(HNM) - Hôm nay 9-11, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi). Tham nhũng đã được nhận diện là quốc nạn, Luật Phòng chống tham nhũng đã được ban hành, bộ máy phòng chống tham nhũng đã hình thành… nhưng hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng chưa như mong muốn.

Tình trạng tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực, với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi gây bức xúc cho toàn xã hội. Yêu cầu sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng là hết sức cần thiết và để đạo luật quan trọng này phát huy hiệu quả, vấn đề mang tính cốt lõi là cần nhận diện đúng tham nhũng để xây dựng những điều luật với chế tài đủ mạnh, những giải pháp quyết liệt và khoa học, giải quyết được cả những vấn đề trước mắt và lâu dài.

Thứ nhất, tham nhũng trên bình diện đạo đức là một thói xấu nhưng tình trạng tham nhũng tại nước ta đã vượt xa khái niệm đó, trở thành mối nguy cho nền kinh tế và toàn xã hội. Đảng, Nhà nước ta đã coi tham nhũng là giặc nội xâm, đe dọa sự tồn vong của chế độ. Do vậy, phòng chống tham nhũng không chỉ là tẩy trừ một tệ nạn mà cần được xem như cuộc đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù. Tinh thần này cần được thể hiện trong Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) và cần có các quy định cụ thể để huy động toàn dân tham gia đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Thứ hai, tham nhũng là một trong những thuộc tính của xã hội có nhà nước. Tham nhũng hình thành cùng quyền lực, tham nhũng kinh tế chỉ là phần ngọn, phần gốc là "chạy" để có quyền lực: chạy chức, chạy quyền… Nhiều người có chức, có quyền tham nhũng sẽ tạo thành những liên minh, những nhóm lợi ích, cùng bảo vệ nhau… Tham nhũng quyền lực nằm ngay trong hệ thống nhà nước nên phải phân rõ quyền lực, trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong các cơ quan quyền lực nhà nước, các lĩnh vực kinh tế nhạy cảm và có chế tài cụ thể để giám sát quyền lực.

Thứ ba, quan niệm "có tiền mua tiên cũng được", "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn" trong một bộ phận chủ doanh nghiệp và người dân đã góp phần làm cho tham nhũng lây lan, tạo ra căn bệnh nhũng nhiễu và thói tham nhũng vặt. Biểu hiện của nó chính là "văn hóa phong bì". Loại tham nhũng này không gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế nhưng xảy ra tràn lan trên nhiều lĩnh vực gắn với đời sống người dân như việc thực hiện các thủ tục hành chính, học hành, khám bệnh… Tham nhũng vặt này không chỉ làm tha hóa cán bộ công chức, mà còn gây bức xúc trong xã hội, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với chính quyền… Người dân và doanh nghiệp là nạn nhân của tham nhũng nhưng không ai khác, chính họ góp phần làm cho tham nhũng lây lan. Do vậy, Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) cần đưa ra chế tài đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng đưa hối lộ và nhận hối lộ.

Thứ tư, người có chức, có quyền tham nhũng để trục lợi, nhưng người được thụ hưởng lợi lộc ấy (dù là một phần) là vợ hoặc chồng, con cái, người thân của họ. Thế nên, bên cạnh các quy định nghiêm khắc để các "công bộc của dân" không dám tham nhũng, không thể tham nhũng, cần có những chế tài để giám sát tài sản của vợ con những người có chức, có quyền nhằm phát hiện các hành vi tham nhũng và tẩu tán tài sản có được từ tham nhũng. Minh bạch thu nhập, tài sản của những người có "điều kiện" để tham nhũng cũng là việc làm hết sức cần thiết...

Tham nhũng có muôn hình vạn trạng. Phòng chống tham nhũng là cuộc đấu tranh cam go, phức tạp, không khoan nhượng và không thể thành công trong ngày một ngày hai. Phòng chống tham nhũng không chỉ cần sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân mà còn cần một hành lang pháp lý đủ sức làm điểm tựa. Sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng là một trong những giải pháp cơ bản, quan trọng để đẩy lùi giặc nội xâm đang đe dọa sự tồn vong của chế độ, nhưng để luật phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội còn rất nhiều việc phải làm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhận diện giặc nội xâm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.