(HNM) - Quy định số 11-QĐi/TƯ, ngày 18-2-2019, của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, kiến nghị của công dân đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ và các tầng lớp nhân dân... Báo Hànộimới ghi nhận một số ý kiến về vấn đề này.
Việc tăng cường giám sát của người dân sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác tiếp dân. Ảnh: Thái Hiền |
Bà Lê Thúy Nga, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm:
Góp phần ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội
Tôi được biết, tại một số địa phương, việc thực hiện quy định tiếp dân chưa thực sự đạt hiệu quả. Người đứng đầu cấp ủy chưa quan tâm đến công tác tiếp dân, còn xảy ra tình trạng ủy quyền cho cấp dưới tiếp dân nên chưa trả lời thỏa đáng, chưa đưa ra được những quyết định kịp thời, đúng đắn nhằm giải quyết triệt để kiến nghị, thắc mắc của công dân.
Vì vậy, những điểm mới, quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân theo Quy định số 11-QĐi/TƯ sẽ giúp khắc phục những hạn chế đó. Người đứng đầu cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện phải trực tiếp thực hiện việc tiếp dân, kịp thời đối thoại với dân ít nhất 1 ngày/tháng; người đứng đầu cấp ủy cấp xã tiếp dân ít nhất 2 ngày/tháng. Nếu thực thi nghiêm túc, chắc chắn việc đơn, thư, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân được giải quyết ngay từ cơ sở, góp phần ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Ông Trương Văn Tuấn, phường Nam Đồng, quận Đống Đa:
Khẳng định vai trò của người đứng đầu cấp ủy
Tôi thường xuyên theo dõi trên các phương tiện truyền thông và nhận thấy trong các điểm nóng chính trị - xã hội xảy ra ở các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước, nếu có sự tham gia đối thoại trực tiếp với dân của người đảm nhận vị trí lãnh đạo cao nhất trong cấp ủy, chính quyền thì những băn khoăn, thắc mắc của người dân được giải quyết thỏa đáng, nhanh nhất. Vì qua đối thoại, người đứng đầu nắm được tình hình, kịp thời đưa ra quyết định tại thời điểm xảy ra vụ việc.
Bên cạnh đó, khi người đứng đầu cấp ủy trực tiếp đối thoại, nhân dân sẽ có sự tin tưởng hơn những vấn đề được nêu sẽ sớm được giải đáp. Tôi rất đồng tình khi Quy định số 11-QĐi/TƯ nêu rõ người đứng đầu cấp ủy phải tiếp dân ít nhất 1 lần/tháng với cấp tỉnh, cấp huyện và 2 lần/tháng với cấp xã... Với quy định này, người đứng đầu cấp ủy sẽ không thể lấy lý do để thoái thác nhiệm vụ tiếp công dân, qua đó đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp.
Bà Nguyễn Thị Phương Thu, thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ:
Nhân dân sẽ tham gia giám sát việc tiếp dân
Tôi và nhiều người dân thị trấn Xuân Mai rất phấn khởi khi Bộ Chính trị ban hành Quy định số 11-QĐi/TƯ. Theo đó, ngoài việc tiếp, đối thoại, giải quyết kiến nghị của công dân, người đứng đầu cấp ủy phải tiếp dân đột xuất trong các trường hợp: Vụ việc nổi cộm, phức tạp, kéo dài, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến các cơ quan, tổ chức đơn vị còn khác nhau; vụ việc có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Song, điều mà người dân quan tâm nhất là Quy định số 11-QĐi/TƯ còn nêu rõ, sẽ xem xét xử lý người đứng đầu nếu thiếu trách nhiệm, hoặc buông lỏng, hoặc vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tiếp, đối thoại, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của nhân dân dẫn đến tình trạng đơn, thư kéo dài, vượt cấp... Chúng tôi sẽ tích cực tham gia giám sát việc thực hiện quy định mới này, chắc chắn người đứng đầu cấp ủy không thể "trốn" trách nhiệm tiếp công dân như trước.
Ông Lê Văn Minh, xã Cổ Đô, huyện Ba Vì:
Hạn chế tình trạng đơn, thư tồn đọng, kéo dài
Qua theo dõi tôi được biết, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa chú trọng giải quyết dứt điểm kiến nghị, phản ánh của công dân, dẫn đến đơn, thư tồn đọng, kéo dài. Từ thực tế này, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 11-QĐi/TƯ nhằm giải quyết những phức tạp nêu trên. Điều quan trọng nhất trong quy định này là nêu rõ thời hạn xử lý.
Cụ thể, trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ khi tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, người đứng đầu cấp ủy thông báo bằng văn bản đến người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về việc tiếp nhận để giải quyết. Nếu phản ánh, kiến nghị, đơn thư phức tạp thì thời hạn có thể kéo dài, nhưng không quá 15 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo...
Những quy định này sẽ góp phần hạn chế tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải quyết đơn, thư của công dân. Chỉ khi nào bức xúc của người dân được giải quyết thấu đáo từ cơ sở khi đó sẽ không còn đơn, thư khiếu nại vượt cấp, uy tín của chính quyền sẽ được nâng lên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.