(HNMCT) - Nhiều người biết Đồng Quang Vinh trong vai trò nhạc trưởng, thế nhưng, con người tài hoa và say mê âm nhạc này vốn là một nghệ sĩ chơi sáo trúc, lớn lên trong môi trường âm nhạc thấm đượm tiếng đàn t’rưng của mẹ và rất nhiều nhạc cụ bằng tre nứa do cha chế tác. Có thể nói, tình yêu âm nhạc dân tộc và khát khao chinh phục đã chỉ lối cho anh trở về quê hương sau nhiều năm tu nghiệp ở nước ngoài.
- Thưa nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, có thể nói “xuất phát điểm” của anh chính là sáo trúc?
- Vâng, sáo trúc như là duyên phận với tôi, bởi tôi được sinh ra trong một gia đình chuyên về âm nhạc dân tộc. Trong nhà tôi lúc nào cũng tràn ngập tiếng đàn t’rưng, đàn tranh của mẹ, tiếng cắt gọt, chế tác nhạc cụ bằng tre nứa của bố. Bố mẹ cho tôi chơi đàn t’rưng và các nhạc cụ gõ của Tây Nguyên ngay từ nhỏ. Đồng nghiệp của mẹ tại Học viện Âm nhạc quốc gia là thầy Triệu Tiến Vượng bảo mẹ cho tôi học sáo. Hai thầy trò phối hợp với nhau ăn ý lắm. Bên cạnh kiến thức thầy truyền đạt, tôi cũng hay nghe và xem biểu diễn với nhiều loại nhạc cụ. Cuối cùng thì sáo là nhạc cụ tôi chơi thành thục nhất, tốt hơn cả đàn t’rưng.
- Tôi thấy anh xem sáo như vật bất ly thân?
- Ngày xưa khi xem phim “Thủy Hử”, thấy nhân vật Yến Thanh thổi sáo, tôi mê lắm. Năm 12 tuổi, tôi được sang Nhật biểu diễn. Mang cây sáo bên mình, tôi có thể lấy nó ra và giao lưu âm nhạc bất cứ lúc nào. Mọi người nghe xong xúm lại và hỏi: “Cây sáo của các bạn có thể chơi được cả nhạc Đức, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản hay sao?”. Tôi thường nghe nhạc phương Tây, lại được bố mẹ và thầy chỉ bảo tận tình về nhạc dân tộc, vì thế tôi có thể chơi nhạc phương Tây bằng đàn t’rưng, sáo. Tôi muốn chứng minh nhạc dân tộc Việt Nam rất đa dạng.
- Khi nghe chương trình “Tre mùa thu”của anh, tôi rất ấn tượng với cách anh kết hợp nhạc cổ điển, nhạc jazz của phương Tây với nhạc cụ tre nứa của Việt Nam...
- Tình yêu với nhạc dân tộc và nhạc cổ điển phương Tây không phải là dấu cộng mà là dấu nhân. Tôi rất thích so sánh và tích hợp những cái hay để hòa quyện thành cái riêng của mình. Tôi dành nhiều thời gian phân tích, viết ra từng tác phẩm, từng cách kết hợp. Đó là tình yêu, sự miệt mài, bền bỉ hướng đến nhu cầu khán giả.
- Sau 9 năm tu nghiệp ở nước ngoài, anh đã chọn con đường trở về quê hương. Anh có bao giờ băn khoăn về lựa chọn của mình?
- Tôi băn khoăn rất nhiều. Ở Thượng Hải có nhiều nhà hát, nhiều dàn nhạc, nhiều chương trình biểu diễn, các nghệ sĩ như tôi làm không hết việc. Tuy vậy, tôi vẫn chọn trở về. Tôi được Nhà nước cho đi học, tôi muốn trở về để làm được một điều gì đó. Cuộc sống của tôi hiện nay có ý nghĩa hơn. Tôi xây dựng mô hình dàn nhạc tre nứa của riêng mình với những người tâm huyết. Tôi cũng kêu gọi đồng nghiệp viết sách về âm nhạc dân tộc. Điều tuyệt vời nhất là cống hiến cho đất nước.
- Mới đầu năm nhưng dường như nhạc trưởng Đồng Quang Vinh đang rất bận rộn với nhiều chương trình biểu diễn. Gần đây nhất ngày 26-3, anh tham gia với vai trò khách mời trong đêm nhạc của nữ ca sĩ, nhạc sĩ Kaang...
- Tôi tham gia đêm nhạc của Kaang với vai trò là một nghệ sĩ độc tấu sáo trúc. Đây là một tác phẩm đặc biệt vì không những mang màu sắc tuổi trẻ, mang hơi thở thời đại mà còn có cả yếu tố âm nhạc dân gian. Khi nghe Kaang hát, tôi cảm thấy một điều gì đó rất thân thuộc. Tôi đã lấy cây sáo thổi cùng và thấy rất hợp. Tiếng sáo trúc - đến từ sự mộc mạc, đơn giản của cây nứa, mang hồn dân tộc - hòa trộn vào tác phẩm âm nhạc của Kaang đã tạo nên sự hoàn hảo. Không chỉ sáo, trong chương trình tôi cũng giới thiệu một số nhạc cụ hơi nữa. Chúng tôi rất mong khán giả cảm nhận được ngôn ngữ âm nhạc đa màu sắc, sự phong phú trong ngôn ngữ âm nhạc.
- Vậy còn vai trò nhạc trưởng thì sao, kế hoạch biểu diễn sắp tới của anh như thế nào?
- Sắp tới, tôi cùng các đồng nghiệp tại Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, dưới sự dẫn dắt của NSƯT Trần Ly Ly - Giám đốc Nhà hát, sẽ có 2 đêm diễn vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” tại Hà Nội. Nếu tình hình dịch Covid vẫn ổn, chúng tôi sẽ mang vở diễn này vào thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến có 4 đêm diễn. Tôi vẫn đảm nhận vai trò chỉ huy dàn nhạc.
Tôi cũng đang dự định tham gia một số chương trình hòa nhạc, làm MV của đồng nghiệp... Tôi vẫn tiếp tục dẫn dắt dàn nhạc tre nứa - một dàn nhạc dân tộc do bố mẹ tôi để lại, và dàn hợp xướng quốc tế với các thành viên đến từ nhiều quốc gia, cùng biểu diễn âm nhạc cổ điển, những bài dân ca Việt Nam do tôi phối khí... Tôi mong những hoạt động này giúp tôi kết nối những người yêu âm nhạc.
- Cảm ơn nhạc trưởng Đồng Quang Vinh!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.