Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhạc sĩ Vĩnh Cát: Lấp lánh “Ngôi sao không tên”

Giang Phú| 03/01/2020 10:40

(HNMCT) - Dù trải qua nhiều cương vị công tác quan trọng như: Phó Giám đốc Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội (nay là Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội) nhưng Phó Giáo sư, nhạc sĩ Vĩnh Cát vẫn luôn khiêm tốn nhận mình là "ngôi sao không tên" trên bầu trời Hà Nội như chính ca từ trong bài hát Ngôi sao Hà Nội rất nổi tiếng của ông. Ông quan niệm cuộc đời con người để sống được thanh thản, an bình thì chỉ nên lặng lẽ, âm thầm như một ngôi sao không tên.

1. Nhạc sĩ Vĩnh Cát sinh năm 1934 tại làng Đào Xá (huyện Ân Thi, Hưng Yên) nhưng lại sống ở Hà Nội từ nhỏ. Cuối năm 1946, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông theo gia đình lên chiến khu Việt Bắc. Ở đó ông đã may mắn gặp nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, người thầy lớn đầu tiên đưa ông vào con đường âm nhạc khi ông được tuyển vào Đoàn Thiếu nhi nghệ thuật thuộc Nha Thông tin Trung ương. Cũng chính từ “chiếc nôi” nghệ thuật ấy, ông đã sáng tác một số ca khúc đầu tay như: Nhớ Bác Hồ, Việt Bắc... Những ca khúc này đã lần lượt vang lên trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam từ “Thủ đô kháng chiến” trong nỗi niềm trăn trở khôn nguôi của chàng thanh niên Vĩnh Cát với Tổ quốc, với nhân dân.

Nhớ lại thuở ban đầu, ông chia sẻ, cha của ông là người thích nghệ thuật, và ông đã học được cách chơi đàn măng-đô-lin từ ấu thơ nhờ chính người cha của mình. Vì thế khi gặp, nhạc sĩ tài danh Lưu Hữu Phước đã sớm nhận ra khả năng âm nhạc nhất định của ông. “Hồi ấy, tôi rất thích sáng tác âm nhạc và may mắn nhiều tác phẩm đã được phổ biến trong công chúng. Tuy nhiên bẵng đi một thời gian do bận học tập, tôi buộc phải rời xa nó và ít sáng tác dần.

Thế nhưng, âm nhạc lại cứ quanh quẩn trong đầu mình như duyên nợ nên khi đang là Hiệu trưởng của một trường tiểu học, nghe tin Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) tuyển sinh khóa đầu tiên, tôi đã đăng ký dự thi và trúng tuyển” - nhạc sĩ Vĩnh Cát bồi hồi nhớ lại.

Với tình yêu âm nhạc vốn có của mình cộng với sự hướng dẫn của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, đang học năm đầu tiên (năm 1958), ông đã sáng tác tác phẩm thính phòng piano Tiếng võng du, tổ khúc giao hưởng kịch múa Hái hoa dâng Bác và được công diễn nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày sinh nhật Bác Hồ. Sau này, khi đã hoàn thành chương trình tu nghiệp tại Liên Xô (cũ), ông đã sáng tác nhiều tác phẩm giao hưởng có giá trị (Cuộc đối đầu lịch sử, Không chỉ là huyền thoại...) cũng như nhiều ca khúc cho nhạc kịch hát và điện ảnh, chủ yếu là phim hoạt hình, sân khấu, xiếc, múa rối...

Với chất âm nhạc tiêu biểu, đặc trưng, các sáng tác của ông không chỉ gây ấn tượng với những người nhạc sĩ cùng thời mà còn được công chúng biết đến như: Sa Pa thành phố trong sương, Vườn nhãn quê hương, Bạn ơi hãy nghe Bến Hải tâm tình...

Ông cũng còn được biết đến là nhà soạn nhạc đã tạo lập được ngôn ngữ giao hưởng riêng, đậm chất dân tộc hòa quyện với nhiều ngôn ngữ giao hưởng hiện đại qua nhiều loại hình như: Thơ giao hưởng, Tổ khúc giao hưởng, Giao hưởng nhiều chương...

Nhạc sĩ Vĩnh Cát (áo trắng đứng giữa) trong đêm nhạc Ngôi sao Hà Nội.

2. Dường như trong nhạc sĩ Vĩnh Cát luôn có nguồn cảm hứng bất tận về Hà Nội, những tác phẩm nổi tiếng của ông từng làm rung động biết bao khán, thính giả cũng chính là các tác phẩm viết về Thủ đô yêu dấu. Đặc biệt, nguồn cảm xúc từ mỗi chặng đường, mỗi biến cố lịch sử gắn với Thủ đô đều mang đến cho ông một sáng tác ấn tượng như: Gửi bạn Thủ đô, Hà Nội của ta, Hà Nội Thủ đô ta đó, Thuở ấy mình yêu, Hoài niệm tên em...

Dịp chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông đã viết bản Concerto 3 chương cho đàn violon và dàn nhạc giao hưởng Đây sông Hồng, sông Cái. Đây là bản giao hưởng viết về sông Hồng - con sông chảy qua Hà Nội, bồi đắp nên vùng châu thổ rộng lớn ở miền Bắc Việt Nam. Con sông đã gắn bó với cuộc sống người Thăng Long từ bao đời nay với biết bao tình cảm thương yêu, gắn bó.

“Con người Hà Nội là tiêu biểu, là đại diện cho con người Việt Nam. Cung bậc hào hoa, thanh lịch, dũng cảm, chí khí được tôn lên vì mảnh đất này là kinh đô của một đất nước, hơn nữa là nơi lắng tụ văn hóa của mọi miền. Đặc biệt, trong chương II mang tên Lấp lánh đỏ sóng phù sa không chỉ thể hiện màu đỏ đặc trưng của sông Cái, lấp lánh dưới ánh mặt trời một vẻ đẹp kỳ ảo mà bao đời nay phù sa của con sông ấy còn được người dân dùng để đắp đê phòng lụt, ngăn giặc ngoại xâm bao lần định vượt sông vào kinh thành...”, nhạc sĩ Vĩnh Cát lý giải.

3. Nói về những sáng tác về Hà Nội của nhạc sĩ Vĩnh Cát có lẽ sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến ca khúc Ngôi sao Hà Nội. Đây là ca khúc được viết từ năm 1986, không chỉ nói về tình yêu đôi lứa mà qua đó tác giả còn muốn nhắn nhủ đến mọi người rằng: Cuộc sống còn nhiều lắm điều tốt đẹp ở phía trước, hãy dành thời gian để yêu, để tận hưởng, đừng mưu cầu danh lợi quá xa vời mà hãy là ngôi sao không tên trên bầu trời rộng lớn. Gần 40 năm trôi qua nhưng mỗi khi nhắc đến tình khúc về Hà Nội là người ta lại nhắc đến Ngôi sao Hà Nội. Bởi vậy mà mới đây những người thân trong gia đình, những người yêu mến ông đã tổ chức đêm nhạc dành tặng ông lấy tên ca khúc này. Đây cũng là món quà nhạc sĩ dành tặng cho những người yêu mến âm nhạc của mình nhân dịp ông bước vào tuổi 85.

Phần đầu tiên của đêm nhạc là 8 tiết mục về nguồn cội của nhạc sĩ, là những mảnh đất đã sinh ra và nuôi dưỡng ông: Hưng Yên, Hà Nội. Đó là một bức tranh về những tháng năm đất nước quật cường, anh dũng và kiên trung đầy mãnh liệt nhưng cũng rất đỗi ngọt ngào, lãng mạn lần lượt được thể hiện qua giọng ca của NSND Quang Thọ với Ta đang sống những ngày đẹp nhất, Việt Bắc, NSƯT Đăng Dương với Hà Nội Thủ đô ta đó, Vườn nhãn quê hương, NSƯT Phạm Phương Thảo với Bạn ơi hãy nghe Bến Hải tâm tình, NSƯT Lan Anh với Gương mặt mùa xuân, ca sĩ Trọng Tấn với Hà Nội của ta và Tốp ca nữ Nhà hát Vũ kịch Việt Nam với Yêu mùa quả chín.

Phần hai của đêm nhạc mang chủ đề Con người là những ca khúc vốn đã nằm lòng trong trái tim người yêu nhạc, đưa khán giả đi qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Đó là Bên mộ cha, Kỷ niệm trái tim (Phúc Tiệp), Sầu lỡ (NSƯT Phạm Phương Thảo), Sông Đà nhịp điệu mùa xuân, Sa Pa thành phố trong sương (Tùng Dương), Em là mùa xuân, Nụ hôn đầu (Đinh Trang), Thuở ấy tình yêu (Trọng Tấn), Ngôi sao Hà Nội (NSƯT Lan Anh) và kết thúc bằng ca khúc Muôn năm Tổ quốc Việt Nam với sự tham gia biểu diễn của các ca sĩ tham gia trong đêm nhạc.

Có thể nói cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Vĩnh Cát là những bản nhạc dài vô tận, mà bản nhạc ấy có đầy đủ tiết tấu. Ông vẫn luôn cần mẫn, lặng lẽ, mải miết tiến đến cái đích do mình đặt ra, dồn sức cho những gì cần thiết để thành quả nối tiếp thành quả.

Với nhạc sĩ, sự hồn nhiên, vô tư, yêu đời, yêu người là nguồn cảm hứng cho ông sáng tác những tác phẩm đi vào lòng người và trở thành đỉnh cao trong nền âm nhạc Việt Nam. Giờ đây, khi bước vào cái tuổi ngoại bát tuần nhưng bằng sự hoạt động nghệ thuật miệt mài của mình nhạc sĩ Vĩnh Cát vẫn lặng lẽ tỏa sáng như một ngôi sao giữa lòng Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Phó Giáo sư, nhạc sĩ Vĩnh Cát sinh năm 1934 tại làng Đào Xá, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.

Không chỉ được biết đến là người có nhiều hoạt động âm nhạc sôi nổi ở Thủ đô mà ông còn là người tâm huyết, tích cực tham gia việc bảo tồn, tôn tạo các di tích của Hà Nội như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Cổ Loa, phố cổ, góp phần phục hồi hình thức nghệ thuật truyền thống hát ca trù, hát xẩm và các lễ hội dân gian... Ông cũng là Giám đốc đầu tiên của Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhạc sĩ Vĩnh Cát: Lấp lánh “Ngôi sao không tên”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.