(HNM) - Ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” của cố nhạc sĩ Văn Cao luôn đánh thức lòng ta mỗi khi Tết đến Xuân về, đem theo nỗi niềm bâng khuâng và cả những âu lo...
Nhân văn và thánh thiện, Mùa xuân đầu tiên đem đến cảm xúc êm dịu mát lành nhưng sau nó là những chiêm nghiệm đớn đau về lịch sử, về thân phận đất nước và con người...
Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên...
Hai mươi năm để đợi chờ chiến thắng. Bến Hải - Hiền Lương không còn là lưỡi dao chia cắt quặn đau nữa, ông viết Mùa xuân đầu tiên.
Bài hát ấy là tuyệt phẩm cuối cùng của người nhạc sĩ tài danh - tác giả của những bản nhạc bất hủ: Tiến quân ca, Thiên Thai, Suối mơ.... Nó cô nén nỗi lòng của người dân Việt mà tác giả nói hộ bằng hoan ca Mùa xuân đầu tiên... Vâng! Mùa xuân đầu tiên đất nước trở về trọn vẹn hình hài sau 21 năm chia cắt, nhưng số phận Mùa Xuân đầu tiên thật đặc biệt. Nó lưu lạc sang tận nước Nga xa xôi, được xuất bản ở đó, trước khi được cất lên, được phổ biến tại Việt Nam.
Ảnh: Nguyễn Đình Toán |
Ca sĩ Ánh Tuyết - người thể hiện thành công nhiều ca khúc của Văn Cao kể: “Từ năm 1983, khi đêm nhạc đầu tiên của Văn Cao được tổ chức tại TP HCM, bản Mùa xuân đầu tiên vẫn chưa được biểu diễn. Sau đó khoảng năm 1990 gì đó, có vài người hát nhưng chưa được đón nhận rộng rãi... Chỉ sau khi tác giả qua đời, nghĩa là sau 1995, Mùa xuân đầu tiên mới được phổ biến. Tác phẩm lớn đôi khi ra đời thường có số phận lạ lùng như vậy”.
Năm 1992 tôi đến thăm nhạc sĩ Văn Cao tại 108 Yết Kiêu, Hà Nội. Ngồi bên ông, ngắm nhìn tấm thân gầy yếu, tóc râu trắng sương mây, chỉ có đôi mắt là sáng trong lạ lùng, lòng tôi trào dâng niềm thương cảm. Ông bảo: “Vừa rồi từ Hội Nhạc sĩ Việt Nam cả 17 tác giả chung kết cuộc thi sáng tác quốc ca các anh kéo đến đây chúc mừng tôi. Tôi ngơ ngác không biết chúc mừng về điều gì thì anh Hồng Đăng và các anh ấy bảo tôi: “Bác mới là “tác thật” của Quốc ca, còn chúng tôi chỉ là tác... giả hết...”. Rồi ông đem ra những bài thơ, bộ sưu tập tranh minh họa cho báo Văn nghệ... Ông bảo: “Tôi vẽ và làm thơ như một thôi thúc. Âm nhạc vẫn là lẽ sống của đời mình nhưng ba mươi năm không viết. Chỉ duy nhất có Mùa xuân đầu tiên... Mùa xuân đầu tiên là lời hoan ca về ngày sum họp. Hai mươi mốt năm chia cắt, bà con mình hai ngả Bắc Nam, nỗi đau ấy lớn lắm, không bút nảo tả nổi... Và tôi viết bản nhạc ấy như một lẽ tự nhiên. Âm nhạc và ca từ dào dạt như chảy từ trái tim...”. Rời nhà Văn Cao, tôi đem theo về ấn tượng về ông với đôi mắt sáng, râu tóc sương mây và một ít bài thơ ông ký tặng...
Mùa Xuân năm 1995 là mùa xuân cuối cùng của tác giả Quốc ca. Ngày ông mất, tôi viếng ông bằng bài thơ nhỏ: Ông ngồi đó như nốt lặng/ Rượu ngày đôi chén đầy vơi/ Nghĩ về sự sống cái chết/ Tóc râu ông trắng mây trời. Thi hài ông quàn tại Ngôi nhà Văn nghệ Việt Nam số 51 Trần Hưng Đạo - Hà Nội. Cả thành phố không đủ hoa viếng. Lúc tiễn đưa ông ra Nghĩa trang Mai Dịch, tôi thấy trong dòng người, có nhiều người nách cắp theo chai rượu nhỏ. Họ tiễn Văn Cao bằng cách của mình. Lúc hạ huyệt, thấy tôi lôi chai rượu trắng rót vào cái chén xong đổ xuống mặt hòm, Bộ trưởng Văn hóa, Nhạc sĩ Trần Hoàn bảo: “Mi cho tau một chén”. Tôi nghiêm trang rót đưa ra, ông đón lấy đổ xuống huyệt cho người đồng nghiệp tài danh...
Vậy mà đã gần 20 năm...
Bây giờ mùa Xuân lại nghe hát Mùa xuân đầu tiên... Nhưng mấy ai biết cái ca khúc tuyệt phẩm ấy lận đận hai mươi năm, trước khi nó thành bài hát rất phổ biến được gọi là “Xuân ca đất nước” như hôm nay. Phải nói rằng người nghệ sĩ tài năng thường có khả năng dự cảm và những tuyệt phẩm phải ra đời trong tâm thức như vậy. Với Mùa Xuân đầu tiên, Văn Cao đã trở lại với âm nhạc sau gần ba mươi năm làm nốt lặng giữa cuộc đời. Và một ngày nọ sau khi đất nước thống nhất, không kìm lòng trước niềm hân hoan rạo rực của đất trời và muôn người, không thể dửng dưng trước niềm vui và những trăn trở của lòng người ngày toàn thắng, ông đã viết lòng mình theo một cách riêng. Không reo vui mang tính chất hùng ca như những ca khúc thời ấy, mà lắng đọng, thiết tha, mà sâu sắc và xúc động lòng người. Văn Cao đã đặt giữa cuộc đời một điệu valse nhẹ nhàng, tình cảm...
Nhà văn Triệu Bôn từng viết rằng, từ lâu, tận bên Nga người ta đã phổ biến Mùa Xuân đầu tiên và nhạc Văn Cao. Ông kể người cháu của mình thời làm ăn ở Nga vẫn thường nghe Mùa Xuân đầu tiên. Chàng trai ấy nghe nhạc Văn Cao bởi “thấy lòng mình sạch sẽ trở lại, thấy quê hương đất nước như ở bên mình”...
... Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
Một trưa nắng vui cho bao tâm hồn.
Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Người mẹ nhìn đàn con nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh
Niềm vui phút giây như đang long lanh.
Câu chuyện về sự ra đời của nhạc phẩm Mùa xuân đầu tiên, anh Văn Thao - con trai nghệ sĩ bảo: Cha tôi viết bản nhạc ấy trong tâm thức an vui sau ngày đất nước thôi chinh chiến ba mươi năm máu lửa, khi đất nước hòa bình, Tổ quốc sum họp. Nhưng tại sao bài hát ấy lại được in trên báo Sài Gòn Giải Phóng, khi đất nước vừa yên hàn? Tại sao không biết, chỉ biết rằng những người làm tờ báo ấy khi ấn phẩm chưa đầy tuổi nhưng đã có tâm thế đoàn viên để rồi cuộc trùng phùng ấy đã cho chào đời một tuyệt phẩm... Nhà thơ Thanh Thảo viết: “Cả một dòng sông vui, nhưng không trào cuộn ào ào, mà như lắng lại, nghe kỹ thấy những lượn sóng đang run run, những lượn sóng như nhắn nhủ cái gì, như báo trước một điều gì”.
Vâng! Một điệu valse sang trọng, vui nhẹ nhàng như hơi thở mùa Xuân, nhưng khi lắng lại tâm hồn, ta cảm được những gì bên trong sự tươi vui ấy có chút gì như là cay đắng ngậm ngùi về một quá khứ của dân tộc oanh liệt và đau thương, bi hùng... Đất nước qua bao nhiêu dâu bể, thăng trầm ly loạn. Những biến cố lịch sử ấy hiện diện trong từng ngôi nhà, trong vô vàn thân phận. Và Mùa Xuân mơ ước ấy đã đến đầu tiên, mở ra những khát vọng về hòa bình, yên ấm...
Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người...
Bâng khuâng và rạo rực lắm, lòng người Việt trước mùa xuân đầu tiên ấy. Và Văn Cao đã nói hộ lòng người Việt Nam bằng tuyệt bút cuối cùng của đời mình sau bao nhiêu năm im lặng, mong chờ trong đau đớn... Bây giờ thì giai điệu ấy đang làm xao xuyến lòng ta trước mùa Xuân... Văn Cao đã đi xa gần 20 năm và tôi tin khúc hoan ca ấy, cũng như những tuyệt bút khác của ông mãi ở lại với lòng người yêu nhạc...
HN ngày đầu Xuân 2014
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.