Văn hóa

Nhân 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao (15/11/1923 - 15/11/2023)Văn Cao - những ý nghĩ về thơ

Mai Bá Ấn 12/11/2023 - 12:04

Tác giả của Quốc ca Việt Nam là một ngươi đa tài. Có rất nhiều Văn Cao trong một Văn Cao: Văn Cao nhạc, Văn Cao họa, Văn Cao thơ... mà ở lĩnh vực nào ông cũng để lại dấu ấn khá đậm nét. Với thơ, ông không chỉ sáng tác mà còn có những suy nghiệm sâu sắc.

van-cao.jpg
Nhạc sĩ - họa sĩ - nhà thơ Văn Cao. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Có thể điểm dấu ấn về thơ của Văn Cao là trường ca “Những người trên cửa biển” ra đời từ năm 1956, trở thành hình mẫu cho hàng loạt trường ca hiện đại sau này; thơ ngắn của Văn Cao thuộc trường phái thơ cách tân; và những suy nghiệm của ông, đặc biệt là về “đặc tính” của nhà thơ và cái mới trong thơ, cũng như vai trò, sứ mệnh của nhà thơ đối với người đọc.

Văn Cao cho rằng, người làm thơ phải “biết khai thác, khám phá, phân tích thực tế và mở đường cho tương lai”. Trên cơ sở đó, tạo lập cho mình cá tính riêng, mà ông gọi rất cụ thể là “thành lập cá tính cho một nhà thơ”.

Theo ông, không phải nhà thơ nói lên suy nghĩ, tình cảm, cảm giác chung của thời đại thì mới được số đông đồng cảm, mà, nhà thơ càng “cá tính trong suy nghĩ, trong tình cảm, trong cảm giác” bao nhiêu sẽ “làm phong phú thêm cho người đọc về mặt tư tưởng, cảm xúc hay cảm giác” bấy nhiêu. Vì sao Văn Cao dám cả quyết như thế? Bởi ông cho rằng, người đọc thường yêu và nhớ đến những cái riêng, cái độc đáo của từng nhà thơ trong cả một đám đông người làm thơ. Họ “yêu những người cố mở đường mà thất bại, yêu những người biết thất bại mà dám mở đường. Bởi vì những người ấy đã nghĩ đến sự tiến bộ của nghệ thuật”.

Có thể nói, đây là một quan điểm khá sâu sắc và táo bạo của Văn Cao trong những năm 1950. Nhưng Văn Cao cũng không đẩy cái sự “mở đường”, cái mới của thơ thoát ly ra ngoài hiện thực cuộc sống. Bởi “cái mới đâu phải là những cái không sẵn có. Sự làm mới những cái sẵn có cũng là phương pháp sáng tạo... Cái mới trước hết là cái mới trong tư tưởng, trong cảm xúc và trong cảm giác của nhà thơ”.

Một nhà thơ có trách nhiệm thì phải biết tìm cái mới cho dù nó dễ thất bại: “Đến với cuộc đời, nhà thơ không thể chịu đựng sự may rủi mà phải chủ động thành lập nên sự thẩm mỹ cho người đọc, chủ định xây dựng con người biết tư tưởng, cảm xúc và cảm giác tinh tế như mình trong xã hội đương thời và cả xã hội sau này”. Cho nên, sứ mệnh thiêng liêng của nhà thơ là “phải đi tìm những tư tưởng, cảm xúc, cảm giác... từ trong thực tế ở những con người đang hằng ngày túi bụi xây dựng”. Mà hiện thực cuộc sống với tất cả những mâu thuẫn và đấu tranh của nó thì rất đa dạng và phức tạp, như một “kho thuốc nổ”, người sợ sẽ quay lưng, bỏ cuộc, người vụng về sẽ tác động xấu, chỉ “người biết làm nổ” sẽ là người “mở đường” vươn đến cái tốt đẹp ngày mai. Và, sứ mệnh của nhà thơ phải là người mở đường. Nhà thơ biết mở ra “những giấc mơ, những khát vọng tự do phát triển” bao nhiêu thì lúc đó, tất cả giấc mơ và khát vọng sẽ tập trung “làm thành mũi nhọn” đủ sức băng về phía trước “kéo lê đi phía sau cái thực tế chậm chạp” của cuộc sống.

Văn Cao khẳng định tác phẩm văn học và nghệ thuật có “ảnh hưởng lớn” đối với số đông người đọc, và cũng chính từ ảnh hưởng ấy, thơ ca có tác động tạo nên “sự biến đổi xã hội”: “Trong đời sống của chúng ta hiện nay có biết bao nhiêu người đã chịu ảnh hưởng của các tác phẩm văn học nghệ thuật và cũng có biết bao nhiêu sự biến đổi xã hội gây ra do cách đặt vấn đề của những tác phẩm này”. Cho nên, cuộc đời và tác phẩm của nhà thơ “phải là những dòng sông lớn”, mà dòng chảy phải luôn biết “thay đổi” để càng trôi chảy lại “càng mở rộng”. Nghĩa là, không phải cứ “sông lớn” là chỉ biết trôi theo dòng chảy lớn, mà phải biết “sông có khúc, người có lúc” để cho “mỗi chữ, mỗi câu, mỗi bài thơ mở ra cái quãng ngược, quãng xuôi, những cái không nói tới mà người đọc càng tìm thấy mãi”. Tác phẩm phải luôn mở ra, mãi vẫy gọi người đọc cho dù nhà thơ đã chết. Nhà thơ chết mà thơ chưa “khép lại”, đó mới chính là người làm thơ thành công: “Sự thất bại thường gặp trong một bài thơ là sự khép lại”.

Là người nắm vững và nhìn nhận rõ những đặc trưng của Thơ Mới trước Cách mạng và thơ ca kháng chiến trước đó, Văn Cao đã đặt câu hỏi mở đường cho sứ mạng nhằm nâng cao giá trị, vai trò của thơ ca trong thời đại mới lúc bấy giờ: “Chúng ta đã đi qua một thời kỳ dài thiên về cảm xúc và thời kỳ cảm giác. Cái thời kỳ thiên về tư tưởng có phải đang bắt đầu không?”. Chính vì lẽ đó, thơ ca Việt Nam nói chung và thơ Văn Cao nói riêng từ những năm 1950 đã bắt đầu mở ra giai đoạn mới: Từ cảm xúc và cảm giác nâng lên thành tư tưởng trong thơ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhân 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao (15/11/1923 - 15/11/2023) Văn Cao - những ý nghĩ về thơ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.