(HNMCT) - Xuân này người Hà Nội và những người yêu Hà Nội không thể không bồi hồi khi nghĩ đến sự vắng bóng của nhạc sĩ Phú Quang (13/10/1949 - 8/12/2021). Âm nhạc Phú Quang đã trở thành một phần tinh thần sang trọng và đa cảm của Hà Nội. Ngay cả trong những ca khúc không nhắc đến địa danh nào của Hà Nội, thì hồn vía Hà Nội vẫn vang vọng ở mỗi ca khúc của Phú Quang.
1. Không khó khăn gì để nhận ra di sản của nhạc sĩ Phú Quang là vẻ đẹp cộng hưởng giữa tình yêu Hà Nội và duyên nợ thi ca. Nhạc sĩ Phú Quang có hơn 100 ca khúc phổ thơ nổi tiếng. Trước khi viết ca khúc, ông là một nhạc công kèn cor rồi học thêm chỉ huy dàn nhạc. Với nền tảng bài bản ấy, đầu thập niên 80 của thế kỷ trước Phú Quang từng đi phối nhạc cho nhiều đoàn nghệ thuật mà người cùng thời mô tả Phú Quang viết nhạc như nhà văn viết tiểu thuyết vậy, nghĩa là viết không cần đàn, ngồi trước trang giấy ông viết những dòng nhạc nghĩ ra trong đầu một cách dễ dàng, không chỉ một giai điệu mà là cả tổng phổ bài phối cho nhiều nhạc cụ như guitar, trống, bass, organ, saxophone, violin...
Nhạc sĩ Phú Quang có hai người anh là nhạc sĩ Phú Đắc và nhạc sĩ Phú Ân, nhưng ông có con đường độc đáo hơn là phổ thơ. Phú Quang tự hào mình là đứa con út trong một gia đình có 10 anh em, mà hai cụ thân sinh Nguyễn Phú Bình và Mai Thị Chi đều xuất thân nhà nho ham học. Ông thừa nhận chính tình yêu thi ca của bố mẹ đã giúp mình hình thành sở thích đọc thơ từ nhỏ. Đó là khởi điểm quan trọng để Phú Quang trở thành một nhạc sĩ phổ thơ trứ danh. Phú Quang thổ lộ: “Các nhà thơ đã rút lòng họ ra câu chữ lóng lánh như tơ lụa, thì mình dại gì không kế thừa và trưng dụng. Sự tương tác thơ - nhạc là một thái độ chuyên nghiệp”.
Âm nhạc có sức mạnh riêng ở khả năng lan tỏa vào đám đông. Phú Quang góp phần đưa thơ đến công chúng qua những ca khúc của ông. Không phải bài thơ nào cũng được ông phổ nhạc thành công. Thế nhưng, sự tận tụy và sự tinh tế của nhạc sĩ Phú Quang giúp nhiều câu thơ có một kênh thẩm mỹ khác, xao xuyến hơn và điệu đàng hơn. Phú Quang luôn tôn trọng tinh thần bài thơ khi phổ nhạc. Tuy nhiên, tiết tấu đôi khi không chấp nhận được sự gân guốc của ý tứ, nên ông phải làm mềm mại hóa câu thơ để có thể hát lên thanh thoát.
2. Nhạc sĩ Phú Quang có hơn hai thập niên lập nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh (1986 - 2008). Khoảng thời gian dài tha hương đã khiến gã trai Hà Nội quay quắt với từng nỗi nhớ niềm thương mảnh đất Thăng Long. Ca khúc đánh dấu sự xuất hiện phong cách phổ thơ Phú Quang là “Em ơi, Hà Nội phố”. Khoảnh khắc đồng điệu thơ - nhạc “Em ơi, Hà Nội phố” được nhạc sĩ thổ lộ: “Cứ độ tháng 11, tháng 12 thì trời Sài Gòn dẫu đang nắng chói chang nhưng trong tôi cồn cào nỗi nhớ rét mùa đông. Rồi một ngày ngẫu nhiên, tôi gặp Phan Vũ trên đường. Anh đưa tôi một bài thơ thật dài “Em ơi, Hà Nội phố”. Tôi đọc lần đầu tiên mà như đã đọc từ rất lâu, như chính tôi vẫn thường nghĩ thế: Ta còn em mùi hoàng lan, ta còn em mùi hoa sữa... Đọc xong bài thơ, linh cảm mách bảo cho tôi đó sẽ là bài ca mà tôi yêu thích. Tôi tin vào linh cảm ấy, và chuyển bài thơ dài hàng trăm câu sang bài ca chỉ còn lại vài chục câu. Vẫn biết một bài ca có đáng là bao để trả cho món nợ ra đi. Nhưng, bài ca được viết ra, tôi đã được giải thoát dù chỉ là một phần nào, và dẫu ít ỏi tôi cũng đã xây được một chút gì cho kỷ niệm (một lần hành hương về dĩ vãng). Một chút gì nhỏ nhoi cho Hà Nội, nơi chứng kiến bao buồn vui của tôi trong suốt cuộc đời”.
Sau ca khúc “Em ơi, Hà Nội phố”, Phú Quang tiếp tục phổ thơ một loạt ca khúc hun đúc tình yêu Hà Nội như “Lãng đãng chiều đông Hà Nội”, “Im lặng đêm Hà Nội”, “Chiều phủ Tây Hồ”, “Mơ về nơi xa lắm”, “Hà Nội và em khi thu chớm đông sang”... Cái biệt tài của Phú Quang là ông nhặt ra được một ý thơ hay về Hà Nội và đẩy lên thành một biểu tượng hoài niệm khôn nguôi. Ví dụ, bài thơ “Hà Nội” của Thanh Tùng đoạt giải nhất cuộc thi thơ “40 năm tình yêu Hà Nội” tổ chức năm 1994 đã được Phú Quang viết nên ca khúc “Hà Nội ngày trở về”. Những câu thơ của Thanh Tùng khá gai góc: “Hà Nội ơi, tôi đã cất giữ người cẩn thận. Như dưới làn da kia dẫu đã héo nhàu, máu vẫn âm thầm chảy. Hà Nội ơi, nguồn mộng mơ dày như cỏ mùa xuân. Mỗi khi tôi thấy mình xơ xác. Tôi lại về đánh cắp. Dẫu một chút bóng đêm trên đường phố Khâm Thiên. Dẫu một mảnh lá vàng còn ướt nước Hồ Gươm”, nhưng vào nhạc Phú Quang thật nồng nàn: “Hà Nội ơi, mỗi khi lòng xác xơ/ Tôi vội vã trở về/ Để lấy cho mình/ Dù chỉ là chút bóng đêm/ trên đường phố quen/ Dù chỉ là/ một chiều sương giăng lối cũ”.
Phú Quang không chỉ chịu khó đọc thơ, mà còn có quan hệ thân thiết với rất nhiều nhà thơ. Sinh thời, nhạc sĩ ấp ủ viết một cuốn sách về những nhà thơ từng có những câu thơ mà mình đã phổ nhạc. Danh sách ấy không chỉ có Phan Vũ, Thanh Tùng mà còn có Hữu Thỉnh, Thái Thăng Long, Ý Nhi, Hoàng Hưng, Thảo Phương, Phan Đan, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Dương Tường, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Trọng Tạo, Trương Nam Hương, Trần Anh Thái, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Khoa Điềm, Hồng Thanh Quang, Từ Kế Tường...
3. Nhạc sĩ Phú Quang đã có quãng đời 72 năm trên dân gian thật trọn vẹn và đáng mơ ước. Sự giáo dưỡng nền nếp, sự trải nghiệm chiến tranh, sự đắng cay tuổi trẻ và sự nổi tiếng rộng rãi, sự phong lưu duyên nợ, sự lận đận tổ ấm... đều là những yếu tố cần thiết cho hành trình sáng tạo của Phú Quang. Ông không cầu toàn và số phận cũng không cho phép ông cầu toàn. Cái bất trắc và cái xô lệch cũng khiến âm nhạc của ông có những cung trầm thao thiết và run rẩy. Những ca khúc do Phú Quang tự viết lời, hoàn toàn chứng minh được tình yêu cháy bỏng mà ông dành cho Hà Nội, như “Về lại phố xưa” đắm đuối: “Rồi cũng về lại phố xưa/ Về trong mùa thu bồi hồi làn mưa lối vắng/ Rồi cũng về lại phố quen/ Về trong tình em dịu dàng, dịu dàng”, hoặc ca khúc “Phố cũ của tôi” rưng rưng: “Thu đã về cùng bao thương nhớ/ Hàng sấu cũ rơi đầy lá vàng/ Tôi đã hát cho từng con phố ấy/ Tháng năm qua đi ngồi nhớ dòng sông Hồng/ Ngỡ lại gặp em trong chiều hồ Tây”.
Khi bước vào tuổi 60, nhạc sĩ Phú Quang quay về Hà Nội sinh sống. Căn nhà của ông ở đường Nước Phần Lan vỗ về những năm tháng cuối đời của một đứa con Hà Nội tài hoa. Một trong những sáng tác thời “thất thập cổ lai hy” của ông là ca khúc “Quạnh hiu” râm ran hoài niệm: “Một mình lặng lẽ trên đồi cao/ Chỉ biết ôm cỏ úa vào lòng/ Gió ngẩn ngơ chiều nay/ Một mình với hư không/ Một đời trong quạnh hiu/ Chiều xé nát tim ta/ Chiều trôi trong xa vắng/ Phía trời xa lẻ loi bóng trăng tà”.
Bây giờ, nhạc sĩ Phú Quang đã xa Hà Nội, nhưng những ca khúc của ông vẫn ở lại cùng Hà Nội, vẫn dư âm ân cần cùng 36 phố phường trìu mến thân quen.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.