(HNMO) - “Chân trời gọi nắng” là cuốn sách do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, lấy tựa từ tứ trong ca khúc “Biển hát chiều nay” của nhạc sĩ Hồng Đăng: “Chân trời rất xanh gọi nắng xôn xao/ Con thuyền rất vui và gió hát ngọt ngào/ Môi cười rất xinh lung linh màu áo/ Mây trắng gợn lên những cánh chim hải âu”.
Chiều 21-3, tại Hà Nội, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với gia đình nhạc sĩ Hồng Đăng tổ chức ra mắt cuốn sách “Chân trời gọi nắng” nhân kỷ niệm một năm ngày nhạc sĩ Hồng Đăng ra đi. Cuốn sách do bà Lê Anh Thúy, người bạn đời tận tụy của nhạc sĩ Hồng Đăng tập hợp bản thảo từ nhiều bài viết của các tác giả.
Cuốn sách được chia làm 3 phần, gồm những bài viết của nhạc sĩ về gia đình ông, về cái Tết đầu tiên của ông ở Hà Nội, về đồng nghiệp, hoạt động âm nhạc Việt Nam và những tác phẩm ca khúc nổi bật của ông. Đặc biệt, phần “Hồng Đăng trong lòng người” tập hợp rất nhiều bài viết của giới văn nghệ sĩ, nhà báo viết về nhạc sĩ Hồng Đăng đầy yêu mến và cảm phục.
Tại buổi ra mắt sách, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết, dù nhạc sĩ Hồng Đăng đã đi xa nhưng lời ca, tiếng nhạc ở những bài hát phổ biến quen thuộc của ông vẫn mãi ngân nga trên các phương tiện thông tin và trong lòng người hâm mộ.
“Nhạc sĩ Hồng Đăng đã hòa vào muôn con sóng của biển xanh, của biển đời, tiếp tục vỗ mãi đến những chân trời gọi nắng. Những đóng góp cho nền âm nhạc của nhạc sĩ Hồng Đăng là điều không còn phải bàn cãi và được ghi nhận bằng những tác phẩm để lại. Không mạnh mẽ, hùng hồn, nhạc Hồng Đăng man mác, lắng đọng. Nhạc sĩ Hồng Đăng như lênh đênh trong cuộc đời mình, trong âm nhạc của mình. Mùi hương hoa sữa, con sóng biển khơi, tiếng ve ngày hè… đã cho ông ký âm những suy tư và cảm xúc của một con người, của một nhạc sĩ”, nhạc sĩ Đức Trịnh nhận định.
Về người đồng nghiệp thân thiết của mình, nhạc sĩ Doãn Nho bày tỏ: “Hồng Đăng là người nhạc sĩ có một không hai!”. “Với khối lượng tác phẩm đồ sộ của mình, ông đã được liệt vào hàng nhạc sĩ quý hiếm của chúng ta. Ấy là chưa kể một khối lượng các bài viết khá công phu về các đồng nghiệp và những cuốn giáo khoa âm nhạc do ông viết đang được sử dụng trong các trường học”, nhạc sĩ Doãn Nho khẳng định.
Tại đây, nhiều văn nghệ sĩ, đặc biệt là những người đã gắn bó với nhạc sĩ Hồng Đăng chia sẻ những kỷ niệm xúc động về con người và tác phẩm của ông.
Nhạc sĩ Hồng Đăng tên đầy đủ Phan Đăng Hồng, sinh năm 1936 tại Yên Thành, Nghệ An, qua đời ngày 21-3-2022.
Ông sở hữu gia tài hơn 700 tác phẩm thanh nhạc, trong đó có các tác phẩm nổi tiếng như: “Biển hát chiều nay”, “Hoa sữa”, “Quà tháng 5”, “Lênh đênh”, “Kỷ niệm thành phố tuổi thơ”, “Mưa bụi”, “Ký ức đêm”... Ông cũng là tác giả của hơn 70 tác phẩm cho điện ảnh và nhiều tác phẩm hợp xướng, thanh xướng kịch, kịch hát, nhạc không lời xuất sắc.
Bên cạnh sáng tác, ông là Phó Tổng Thư ký Thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam các khóa IV, V, VI và từng là Tổng Biên tập Tạp chí Âm nhạc.
Ông đã được nhận nhiều Giải thưởng âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật (năm 2001); Giải thưởng Lớn – Giải thưởng “Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội” (năm 2021); Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật (năm 2022)…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.