Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nâng cấp an ninh cho hệ thống mật ngữ của Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) vào đầu năm 2018 nhằm tìm kiếm và ngăn ngừa rò rỉ thông tin.
Theo tiết lộ của hai cựu quan chức Nhà Trắng nắm rõ vấn đề trên với tờ Potilico, các thay đổi bao gồm bản lưu danh sách những người truy cập vào từng loại tài liệu cụ thể trong hệ thống của NSC, đồng thời điều chỉnh thiết kế để ngăn chặn rò rỉ bản ghi âm điện đàm giữa Tổng thống với các nhà lãnh đạo nước ngoài. Bên cạnh đó, hệ thống mật ngữ mới còn có thể phát hiện kẻ tình nghi gây rò rỉ thông tin nếu các bản nội dung hội thoại bị công khai.
Trước khi nâng cấp, giới chức Nhà Trắng chỉ có thể kiểm tra người nào đăng hoặc tải tài liệu lên hệ thống song không thể biết người nào đã truy cập vào văn bản nào. Hệ thống lưu trữ thông tin tối mật này đang trở thành mục tiêu bị soi xét sau khi một nhân vật trong cộng đồng tình báo tố cáo các quan chức an ninh quốc gia sử dụng hệ thống này để cất giấu những cuộc hội thoại nhạy cảm. Điển hình là cuộc gọi giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 25-7, trong đó ông chủ Nhà Trắng đã hối thúc ông Zelensky điều tra đối thủ của ông là cựu Phó Tổng thống Joe Biden cùng con trai.
Nếu che giấu những tài liệu gây hổ thẹn về mặt chính trị thay vì bảo vệ bí mật an ninh quốc gia là động cơ chính của hệ thống mã hóa, giới chuyên gia và các cựu quan chức cho rằng đó sẽ là lạm dụng hệ thống trên.
Mặc dù hành vi đó có thể không bất hợp pháp nhưng vi phạm đạo luật do Tổng thống Barack Obama ký năm 2009. Đạo luật quy định rằng, không được bảo mật thông tin để che giấu hành vi vi phạm pháp luật, không hiệu quả, hoặc lỗi hành chính hay tránh làm mất mặt một cá nhân, tổ chức hoặc cơ quan.
Tuần trước, Politico đưa tin, Nhà Trắng bắt đầu sử dụng hệ thống mật hóa để giới hạn số lượng nhân viên có thể truy cập vào các bản ghi âm sau vụ rò rỉ năm 2017.
Là một phần trong cuộc điều tra luận tội của đảng Dân chủ, các nhà lập pháp mong muốn được biết người nào đã đăng các bản ghi âm nội dung cuộc gọi lên hệ thống này - khác biệt rõ ràng so với cách hệ thống này thường được sử dụng cùng với cách thức xử lý các trao đổi của Tổng thống theo cách truyền thống.
Theo ba cựu quan chức của Hội đồng An ninh quốc gia, khái niệm cơ bản về việc lưu thông tin người đăng nhập và thoát khỏi các hệ thống tối mật của NSC không phải là duy nhất đối với chính quyền Tổng thống Trump.
Một trong những người nắm trực tiếp thông tin về hệ thống này tiết lộ khả năng lưu danh những người truy cập các tài liệu cụ thể trong hệ thống “dường như tương ứng với một số điều khoản kiểm soát” dưới thời Tổng thống Obama. Đây là một cách để thắt chặt hơn nữa việc kiểm soát thông tin.
Tuy nhiên, những người ủng hộ ông Trump đã bảo vệ động thái trên. Cựu Thư ký Nhà Trắng Sarah Sanders ngày 1-10 nói: “Tôi cho rằng họ đã làm đúng trách nhiệm. Chúng ta phải bảo vệ các mối quan hệ quốc tế. Chúng ta phải được liên lạc với các đồng minh và đối tác. Tổng thống cần có thể làm điều đó mà không cần phải chia sẻ với báo chí những cuộc hội thoại và trao đổi mật này”.
Động thái thay đổi của Nhà Trắng xuất hiện vài tháng sau khi toàn bộ bản ghi âm cuộc gọi của ông Trump với nhà lãnh đạo Australia và Mexico bị rò rỉ cho tờ báo Washington Post, làm dấy lên một cuộc truy lùng trong nội bộ về căn nguyên của những tiết lộ trái phép trên, đồng thời gia tăng sự ngờ vực giữa Tổng thống và nhân viên của ông.
Theo một cựu nhân viên của ông Trump, trước khi nâng cấp, Nhà Trắng đã bắt đầu giới hạn quyền tiếp cận bản ghi âm cuộc gọi của Tổng thống với các nhà lãnh đạo nước ngoài cho nhóm quan chức hẹp hơn. Trước đó, các ghi âm được đưa vào ổ đĩa chung mà tất cả nhân viên NSC đều có quyền truy cập, khiến việc rò rỉ trở nên dễ dàng hơn.
Cho đến nay, các chuyên gia an ninh quốc gia và tình báo đều cho rằng “rất bất thường” khi cất trữ nội dung điện đàm giữa các nguyên thủ quốc gia vào hệ thống được thiết kế chỉ dành riêng những thông tin quan trọng nhất của đất nước. Chẳng hạn như những chiến dịch tối mật như cuộc đột kích tiêu diệt trùm khủng bố Al-Qaeda Osama Bin Laden tại Pakistan.
“Điều này có nguy cơ gây suy yếu toàn bộ tầm quan trọng của các chiến dịch an ninh quốc gia”, ông April Doss - cố vấn cấp cao trong cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ của Ủy ban Tình báo Thượng viện và trước đó là luật sư hàng đầu tại Cơ quan An ninh quốc gia - nhận xét.
CNN và New York Times đưa tin, nội dung cuộc gọi của ông Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman cũng được lưu trữ vào hệ thống tối mật của NSC để tránh rò rỉ.
Trong những lần điện đàm với ông Putin, ông Trump thường nói rằng, ông muốn đưa quan hệ giữa hai nước lên một nền tảng hữu nghị hơn, nhưng lại than phiền rằng truyền thông cùng những người khác trong chính quyền ngăn cản ông làm điều này. “Những câu nói trên chắc chắn là dạng thông tin mà bạn không muốn công khai bởi vì nó thực sự đáng hổ thẹn từ quan điểm của niềm tự hào dân tộc”, một cựu quan chức NSC lý giải.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.