(HNM) - Nhà thơ Mai Văn Phấn là gương mặt để lại dấu ấn không chỉ với bạn đọc trong nước mà còn thu hút cả giới phê bình nước ngoài. Anh cũng là nhà thơ Việt Nam có nhiều tác phẩm được dịch ra các thứ tiếng, từng có 3 tập thơ lọt vào top 10 trong 100 tập thơ Châu Á bán chạy nhất trên Amazon.
Mới đây, anh tiếp tục công bố tác phẩm mới nhất là tập thơ 3 câu mang tên "thả" (không viết hoa - NXB Hội Nhà văn) với 1.017 bài. Anh dành cho Báo Hànộimới cuộc trò chuyện tâm huyết về thi ca và về tác phẩm mới của mình.
Nhà thơ Mai Văn Phấn. |
- "thả" ra đời như thế nào và có gì đặc biệt trong chặng đường sáng tác của anh? Vì sao lại là 1.017 bài trong tập thơ, thưa anh?
- "thả" gồm những bài thơ 3 câu, tôi sáng tác sau giai đoạn cách tân thi pháp, vận dụng có chọn lọc những tinh hoa của các khuynh hướng thơ trên thế giới. Tập thơ này là đoạn đường xuyên qua một cánh rừng nguyên sinh trong chặng đường sáng tác của tôi. Tôi bắt đầu viết thơ 3 câu từ cuối năm 2011, sau tập hợp in thành tập "hoa giấu mặt" (NXB Hội Nhà văn, 2012). Thú thực, tôi có ý định in để lưu lại rồi dừng việc sáng tác thơ 3 câu ở thời điểm ấy. Nhưng sau khi viết và công bố tập thơ tự do tiếp theo "Vừa sinh ra ở đó" (NXB Hội Nhà văn, 2013), tôi nhìn lại "hoa giấu mặt" và nhận ra những khoảng trống. Khoảng trống ấy đã vẫy gọi tôi bằng cảm xúc mạnh mẽ, thôi thúc tôi đi tiếp chặng đường này. Vào giờ phút Giao thừa năm Ất Mùi, tôi khai bút bằng bài thơ 3 câu "Đêm đầu năm": Nghe tiếng sóng/Cầm ngọn nến/Soi về phía biển. Rồi cứ như vừa khai thông một bờ ngăn cho dòng thác xổ tung, liên tiếp những không gian thơ chồng lấn, phồn sinh mở ra bất tận với tôi trong suốt năm qua. Cuối năm 2015, tôi cán đích với hơn 1.000 bài thơ 3 câu. Sau khi cấu trúc toàn bộ tập thơ theo ý đồ riêng, tôi quyết định chọn 1.017 bài vì tổng các chữ số trong số 1.017 này bằng 9. Theo số học phương Đông, "9" là con số của hạnh phúc, an lành, hòa thuận. Còn với quan niệm phương Tây thì số 9 cũng là tổng hòa những tích cực của các con số khác, cộng với sự nhân bản, tha thứ và hòa đồng.
- Trong "thả", như tên gọi cùng rất nhiều bài thơ 3 câu khác, thể hiện một tâm thế rõ rệt của người muốn tìm đến cái an nhiên, tự tại trong sự thấu hiểu sâu sắc với tự nhiên, đời sống?
- Thơ 3 câu là vẻ đẹp mà ta chợt nhìn thấy, hay vô tình nhặt nó lên từ vô vàn những vật bình dị bên ta. Tôi đặt tên tập thơ chỉ một chữ "thả" bởi tính đa nghĩa của nó trong tiếng Việt. Đặc biệt, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, "thả" vẫn thể hiện được cái an nhiên, tự tại như bạn nói… Nhà thơ người Anh Susan Blanshard khi biên tập tập thơ "thả" của tôi, do dịch giả Hồ Liễu dịch sang Anh ngữ, đã gọi đó là "Những bí mật của ánh sáng" (The Secrets of Light).
- Anh tìm thấy khả năng biểu đạt mạnh mẽ gì trong những câu thơ rất ngắn có nguồn gốc từ dạng thơ Haiku của nền văn hóa Nhật Bản?
- Thơ 3 câu của tôi có hình thức gần với thơ Haiku của Nhật Bản, nhưng không tuân thủ niêm luật, cũng như tinh thần sáng tác của các bậc tiền bối như Matsuo Basho (1644-1694), Yosa Buson (1716-1784), Kobayashi Issa (1763-1828)… Thơ Haiku chỉ gợi mà không tả, thường gắn với một nguyên cớ nào đó, có khi phải ghi thêm chú thích như một số bài Haiku truyền thống. Nhưng thơ 3 câu của tôi là một bài thơ cực ngắn hoàn chỉnh, có đặt tiêu đề cho mỗi bài, có chủ ý như một bài thơ tự do... Khả năng biểu đạt của thơ 3 câu rất phong phú và mạnh mẽ. Ngôn ngữ trong bài thơ được tối giản và nén chặt đến mức không thể hơn, đôi khi đã tạo sinh những nghĩa mới và gia tăng khả năng biểu đạt của tiếng Việt, thể hiện được những khuynh hướng trong nghệ thuật thị giác và âm nhạc. Tiêu đề của mỗi bài thơ 3 câu cũng là "con mắt" tạo nên sức mạnh của bài thơ. Xin dẫn bài "Mặt nước thiêm thiếp": Thả/Mồi câu/Vào lòng giấc mơ. Ở đây, tiêu đề và nội dung bài thơ như hai không gian riêng biệt giao nhau, gợi những liên tưởng khác với mỗi người đọc.
- Cùng với "thả", năm nay anh cũng có cuốn sách phê bình một tác phẩm của mình là "Giải mã hoa giấu mặt" của TS Ramesh Chandra Mukhopadhyaya (Ấn Độ). Cách tiếp cận nào trong "Giải mã hoa giấu mặt" khiến cho anh cảm thấy thú vị nhất?
- Nhà thơ, tiến sĩ Ramesh Chandra Mukhopadhyaya - một học giả nổi tiếng của Ấn Độ - đã "giải" tập thơ 3 câu "hoa giấu mặt" của tôi bằng những "mã" thẩm mỹ, "mã" của văn hóa Ấn Độ. Những bài thơ 3 câu tôi được ông lý giải bằng những quan niệm phong phú và độc đáo, được soi sáng bằng minh triết Vệ Đà, bằng sử thi Mahabharata vĩ đại. Trong cuốn sách "Giải mã hoa giấu mặt" (NXB Hội Nhà văn, 2015) có nhiều bài chú giải của TS Ramesh đã làm tôi ngạc nhiên và thú vị bởi sự hiểu biết sâu rộng về văn hóa, phong tục, lịch sử Việt Nam của ông. Chính cuốn sách "Giải mã hoa giấu mặt" và những bức thư của TS Ramesh thường xuyên trao đổi qua email đã kích hoạt tôi viết tiếp tập thơ "thả" vừa xuất bản.
- Năm 2016, liệu anh có trở lại trong một tác phẩm với cách thể hiện mới?
- Tôi vui và tạm yên tâm về sự sáng tạo của mình trong năm qua. Sáng tác là công việc quyến rũ luôn vận động. Tôi không bao giờ cho phép mình bằng lòng và nghỉ ngơi với những gì đã công bố. Năm 2016, tôi chắc chắn sẽ tiếp tục thi công ở phía khác "ngôi nhà thơ" của tôi đã được quy hoạch từ trước.
- Cảm ơn anh!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.