Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà thiết kế Minh Hạnh: Truyền thống là cả gia tài với nhà thiết kế

Trà Giang| 26/04/2019 09:58

(HNMCT) - Nhà thiết kế Minh Hạnh được coi là một trong những

(HNMCT) - Nhà thiết kế Minh Hạnh được coi là một trong những "cây đại thụ" của ngành thời trang Việt Nam. Chị nổi tiếng với những thiết kế áo dài, có công lớn trong việc khôi phục nhiều chất liệu truyền thống của dân tộc và là người luôn đau đáu kiếm tìm "triết lý bản sắc" cho thời trang Việt. Xung quanh câu chuyện bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống, nhà thiết kế Minh Hạnh đã dành cho Hànộimới Cuối tuần những ý kiến tâm huyết.



- Mới đây Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”. Được biết, từ cách đây hàng chục năm, chị đã đi đến những vùng sâu, vùng xa tìm hiểu, khôi phục một số chất liệu truyền thống để đưa vào các thiết kế hiện đại. Chị nghĩ sao về đề án này?

- Đề án này là rất cần thiết, rất đáng hoan nghênh, ủng hộ. Là người gần 30 năm theo đuổi con đường đó nên tôi hiểu việc này cần thiết đến như thế nào, nếu chúng ta không làm ngay thì vốn quý của dân tộc sẽ mai một, sẽ mất đi lúc nào không hay và không biết bao giờ mới có thể khôi phục được. Nhưng đây không phải công việc một sớm một chiều, càng không phải nhiều hay ít tiền. Đó là câu chuyện của những người kiên trì, của sự tâm huyết, của ý chí.

Vấn đề làm thế nào cho đúng mà muốn đúng cho 54 dân tộc là 54 câu chuyện khác nhau vì người ta có 54 cách sống, thậm chí là triết lý sống, ngôn ngữ riêng của họ. Muốn bảo tồn, khôi phục trang phục truyền thống của người dân tộc thì phải hiểu họ đang cần gì, muốn gì, thậm chí phải sống với họ. Thí dụ khi tôi muốn tìm hiểu về thổ cẩm, tôi đến Lùng Tám, Hà Giang ăn với họ, uống cùng họ... Từ những câu chuyện về đời sống của họ mới biết họ muốn gì, thích gì và họ làm gì. Truyền thống chính là con người chứ không phải là một miếng vải. Đó là một chân lý cần phải hiểu rõ.

- Một trong những vấn đề mấu chốt của việc bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống là khơi lại sự yêu thích, tự hào của chính cộng đồng với trang phục của họ, trước sự tấn công của các xu hướng thời trang hiện đại. Muốn làm được điều này thì vai trò của các nhà thiết kế vô cùng quan trọng. Chị đánh giá như thế nào về thái độ của giới thiết kế hiện nay đối với chất liệu, kiểu dáng của trang phục truyền thống?

- Tôi luôn nói với các bạn trẻ rằng: Trong sáng tạo của một nhà thiết kế thì truyền thống là gia tài. Bạn mà không biết cách sử dụng, giữ gìn nó thì chắc chắn gia tài sẽ mất đi mỗi ngày và bạn sẽ không bao giờ giàu có được cả ở nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Không có cái đó, ai nhận diện ra được bạn trong "thế giới phẳng" này? Đó là một điều rất rõ ràng.

Các nhà thiết kế trẻ hiện nay bị giằng xé giữa thị trường và quan điểm sáng tạo cá nhân nhưng sau khi bị thị trường bầm dập, hiểu được bản chất thị trường thì họ sẽ càng thấy rằng, việc bám sát truyền thống chính là một quỹ đạo của thời trang. Đi theo quỹ đạo đó các nhà thiết kế sẽ thành công nhanh hơn.

Trong Tuần lễ thời trang Thu đông 2019 vừa diễn ra, nhiều nhà thiết kế trẻ đã mang lụa Việt Nam, thổ cẩm miền Trung vào trang phục kết hợp với in, thêu 3D trên lụa hay các phương pháp wash (giặt mài) hóa chất, wash đá... để làm mới các chất liệu này. Thí dụ như bộ sưu tập của nhà thiết kế Xuân Hạo, bạn ấy sử dụng chất liệu thổ cẩm của khu vực miền Trung (Quảng Trị) và lấy hình ảnh các đền đài, kiến trúc Huế đưa vào sản phẩm của mình để tạo nên một phong cách riêng và bạn ấy bán rất tốt, sống thoải mái mặc dù thị trường Huế thấp hơn so với các thành phố lớn khác. 

Người Dao đỏ gìn giữ trang phục truyền thống của dân tộc mình.


- Cùng với sự mai một của trang phục truyền thống, các nghề dệt, nhuộm thủ công cũng đang dần biến mất. Đây là điều rất đáng lo ngại. Chị là người có đóng góp rất lớn trong việc khôi phục chất liệu thổ cẩm, khiến chất liệu này được cả các tín đồ thời trang trong và ngoài nước yêu thích. Vậy làm thế nào để cộng đồng các nhà thiết kế cùng vào cuộc trong việc khôi phục các ngành dệt, may truyền thống, thưa chị?

- Đây là câu chuyện về giá trị kinh tế. Nếu các nhà thiết kế biết ứng dụng các nghề truyền thống như nghề thêu, nghề dệt vào thiết kế của mình thì giá trị của thời trang cao hơn rất nhiều. Lợi nhuận cao hơn sẽ kích thích người thiết kế tìm đến và vốn quý đó sẽ được phát huy.

Trước đây một số bạn rất ngại khi chạm đến nghề truyền thống nhưng hiện nay nó giống như công cụ để các bạn có thể làm những bộ sưu tập tốt hơn. Và người tiêu dùng trong nước hiện nay cũng có xu hướng tìm đến với những chất liệu truyền thống, được làm hoàn toàn thủ công. Những bộ sưu tập thời trang cao cấp nhất trên thế giới (haut couture) đều được làm bằng tay rất công phu, tốn kém.

Nếu như chúng ta tận dụng được tinh hoa từ cộng đồng các dân tộc thì giá trị và hàm lượng văn hóa Việt trong các thiết kế sẽ rất cao. Hàm lượng văn hóa Việt trong thiết kế là cách duy nhất để chúng ta tồn tại và chứng minh mình với thế giới trong xu thế toàn cầu hiện nay.

- Trân trọng cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà thiết kế Minh Hạnh: Truyền thống là cả gia tài với nhà thiết kế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.