Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khắc phục bất cập sử dụng nhà tái định cư

Dạ Khánh| 09/12/2022 06:29

(HNM) - Là quỹ nhà được xây dựng sẵn để bố trí tái định cư cho các hộ dân khi thực hiện giải phóng mặt bằng, triển khai dự án phát triển hạ tầng, song thời gian qua, việc quản lý, sử dụng Quỹ nhà tái định cư tại Hà Nội còn nhiều hạn chế, bất cập. Quỹ nhà và diện tích kinh doanh dịch vụ bị bỏ trống nhiều, gây lãng phí; việc bảo trì, sửa chữa các thiết bị chậm khiến công trình xuống cấp... Thành phố Hà Nội đã, đang tìm giải pháp nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập nói trên.

Một thang máy tại chung cư tái định cư A6C Khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) đã dừng hoạt động nhiều tháng nay.

Nhiều tồn tại, hạn chế

Được Nhà nước đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng từ năm 2007, nhà tái định cư N3B Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (quận Thanh Xuân) được thiết kế cao 11 tầng với 160 căn hộ, song lại không có diện tích sinh hoạt cộng đồng. Trước nhu cầu có nơi để cư dân hội họp, sinh hoạt, từ năm 2017, Ban Quản trị tòa nhà đã có đơn gửi UBND thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng, kiến nghị bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng cho cư dân.

Trong khi đó, theo phản ánh của cư dân chung cư tái định cư A6C Khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy), nhiều năm nay cuộc sống của cư dân liên tục bị ảnh hưởng vì thang máy trục trặc. Tòa nhà cao 11 tầng, được bố trí 2 thang máy phục vụ hơn 100 hộ dân với 500 nhân khẩu, song thang máy dừng hoạt động xảy ra thường xuyên khiến các hộ ở tầng cao gặp nhiều khó khăn trong việc lên, xuống tòa nhà.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có 199 tòa nhà chung cư tái định cư đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng Quỹ Nhà tái định cư cũng như diện tích kinh doanh dịch vụ tại các khu nhà này vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, việc thành lập ban quản trị nhà chung cư còn chậm, đến nay mới có 113/199 tòa nhà có ban quản trị. Việc bàn giao kinh phí bảo trì, hồ sơ... từ các đơn vị được giao quản lý cho các ban quản trị cũng đạt tỷ lệ thấp. Việc bảo trì, sửa chữa nhà tái định cư của các đơn vị quản lý, vận hành còn chậm, không đáp ứng yêu cầu, gây bức xúc cho cư dân. Bên cạnh đó, nhiều diện tích kinh doanh dịch vụ còn để trống hay bị sử dụng sai mục đích, nợ tiền thuê nhà, cho thuê lại không đúng quy định. Nhiều căn hộ đã bố trí cho các dự án song chưa đưa vào sử dụng; nhiều căn hộ đã có quyết định bán nhà, nhưng các hộ dân chưa thanh toán tiền và nhận nhà. Thậm chí, hiện nay có 223 trường hợp chây ỳ, cố tình không ký hợp đồng mua bán căn hộ và nộp tiền mua nhà theo quy định.

Tòa nhà tái định cư N3B Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (quận Thanh Xuân) hiện chưa được bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng cho cư dân.

Nâng hiệu lực quản lý

Trở lại với kiến nghị của cư dân nhà N3B Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh cho biết, ngày 22-9-2022, Sở Xây dựng đã có văn bản đề xuất UBND thành phố thu hồi diện tích kinh doanh dịch vụ tại tầng 1 tòa nhà (khoảng 153m2) và chấp thuận chuyển đổi để bố trí phòng sinh hoạt cộng đồng cho các hộ dân. Ngoài ra, tại một số nhà chung cư tái định cư cũng không có diện tích sinh hoạt cộng đồng, như: Tòa E Khu tái định cư Đền Lừ, CT2 Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai); N02 Láng Thượng (quận Đống Đa); N6B, N6D, N1AB Trung Hòa - Nhân Chính (quận Thanh Xuân), Sở Xây dựng cũng đã đề xuất UBND thành phố cho chuyển đổi phần diện tích kinh doanh dịch vụ để bố trí phòng sinh hoạt cộng đồng.

Về diện tích kinh doanh dịch vụ cho thuê bị một số đơn vị vi phạm hợp đồng, sử dụng sai mục đích, nợ tiền thuê nhà, cho thuê lại không đúng quy định, Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đã xác định và đề xuất UBND thành phố thu hồi 10 điểm (diện tích gần 4.000m2) tại các chung cư: 17T10, N3B, N6B, N6D, N2E Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, N01 Láng Thượng, G9 Xuân Đỉnh... “Sau khi thu hồi, Sở Xây dựng sẽ đôn đốc Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đưa vào kế hoạch đấu giá cho thuê năm 2023 cùng với các diện tích kinh doanh dịch vụ hiện còn để trống”, ông Mạc Đình Minh cho hay.

Với các căn hộ chưa nộp tiền mua nhà đã vào sử dụng trái quy định, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng, UBND quận Cầu Giấy, các đơn vị quản lý kiểm tra, lập hồ sơ, chuyển cơ quan công an điều tra, xử lý.

Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch khắc phục các tồn tại, hạn chế trong quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư tái định cư trên địa bàn thành phố. Theo đó, UBND thành phố giao các sở, ngành rà soát, ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng Quỹ Nhà tái định cư trên địa bàn thành phố, bảo đảm đồng bộ, chặt chẽ, sử dụng hiệu quả. Đồng thời, thành phố yêu cầu tổ chức tập huấn quy định pháp luật về quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý, sử dụng; xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp trong quản lý, sử dụng nhà chung cư tái định cư...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khắc phục bất cập sử dụng nhà tái định cư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.