Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà ở công nhân - cần sự vào cuộc đồng bộ

Kim Vũ| 16/04/2022 06:23

(HNM) - Nhiều năm qua, Thủ đô Hà Nội luôn thu hút số lượng lớn công nhân lao động từ nhiều địa phương khác đến làm việc. Điều này kéo theo nhu cầu thuê nhà ở rất lớn, nhưng một số khu công nghiệp, khu chế xuất không đáp ứng được vì thiết chế nhà ở cho công nhân còn hạn chế, khiến đời sống của họ gặp rất nhiều khó khăn. Để đáp ứng nhu cầu tối thiểu về nhà ở cho công nhân lao động, rất cần sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả của chính quyền các cấp và doanh nghiệp.

Một dãy nhà cho công nhân thuê trọ ở thị trấn Quang Minh (huyện Mê Linh). Ảnh: Minh Hà

An cư mới lạc nghiệp

Khảo sát thực tế của phóng viên Báo Hànộimới tại các Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh), Quang Minh (huyện Mê Linh) cho thấy, hiện vẫn còn quá ít nhà ở dành cho công nhân. Chị Nguyễn Thị Minh, công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long, thuê trọ tại xã Hải Bối (huyện Đông Anh) cho biết, dù gia đình có 2 con nhỏ nhưng vợ chồng chị vẫn chưa thể tiếp cận được nhà ở công nhân nên phải thuê 2 phòng trọ cạnh nhau với giá 2,5 triệu đồng/tháng (mỗi phòng khoảng 15m2).

Với thu nhập 15 triệu đồng/tháng, cùng chi phí thuê nhà, sinh hoạt, vợ chồng chị Nguyễn Thị Minh phải chắt bóp từng đồng mà điều kiện sống vẫn tạm bợ. “Vợ chồng tôi đã làm đơn chờ xét duyệt được ở nhà ở xã hội, tôi mong có thêm nhiều nhà ở xã hội hơn nữa để hỗ trợ chỗ ở cho công nhân, bởi có an cư mới lạc nghiệp được”, chị Nguyễn Thị Minh tâm sự.

Dù mức lương chưa đầy 10 triệu đồng/tháng, nhưng chị Lê Thanh Hà, công nhân lao động tại Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh) vẫn phải thuê nhà trọ rộng hơn vì có con nhỏ với giá trên 1 triệu đồng/phòng/tháng; tiền điện, nước tính như giá kinh doanh. Do vậy mọi chi tiêu phải tính toán rất kỹ nếu không cuối tháng phải ăn mì tôm trừ bữa. Chị Lê Thanh Hà rất mong muốn được thuê nhà ở hoặc mua nhà giá rẻ có sự hỗ trợ của Nhà nước...

Thuộc số ít người được thuê nhà ở xã hội tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh), chị Vũ Thị Hậu, công nhân Công ty Meiko Thăng Long sau 6 tháng nộp đơn chị đã được thuê nhà ở xã hội với giá 1,7 triệu đồng/phòng 4 người (2 phòng ngủ và 1 phòng khách). “So với việc phải bỏ ra 1,5-1,6 triệu đồng/tháng thuê nhà trọ ở ngoài với diện tích nhỏ hẹp thì được thuê nhà ở xã hội là một may mắn quá lớn với tôi”, chị Vũ Thị Hậu chia sẻ.

Khu nhà ở xã hội cho công nhân ở xã Kim Chung (huyện Đông Anh).

Cần sự quan tâm đồng bộ

Thông tin về nhà ở cho công nhân, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Công ty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội Cao Đức Đại cho biết, dự án nhà ở công nhân xã Kim Chung (huyện Đông Anh) có 24 đơn nguyên 5 tầng và 2 đơn nguyên 15 tầng, đa số dành cho lao động độc thân, giá 120.000 đồng/ người/tháng, mỗi phòng ở từ 10-15 người. Trong khi đó, quỹ nhà dành cho hộ gia đình thuê ở là 408 phòng, tương ứng 3.904 chỗ ở thuê thuộc quỹ nhà 5 tầng và 224 phòng tại quỹ nhà 15 tầng. Tuy nhiên, số phòng này luôn được lấp đầy và chưa đáp ứng đủ nhu cầu của công nhân.

Chỉ ra bất cập về thiếu nhà ở công nhân, Trưởng ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội) Tạ Văn Dưỡng cho biết, việc phát triển thiết chế công đoàn gồm tổ hợp công trình phục vụ người lao động, trong đó có nhà ở và các công trình dịch vụ phúc lợi công đoàn như siêu thị, nhà trẻ, nhà văn hóa đa năng... trên địa bàn thành phố chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, việc triển khai còn chậm do thiếu quỹ đất, hoặc vướng mắc nhiều thủ tục. Mặt khác, việc triển khai thiết chế công đoàn cũng chưa được đưa vào nội dung chương trình trọng tâm, cấp bách của chính quyền một số địa phương...

Theo ông Tạ Văn Dưỡng, Hà Nội phải có 1-2 thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp... Thành phố phấn đấu đến năm 2025 xây dựng một khu thiết chế công đoàn trên tinh thần địa phương chuẩn bị quỹ đất, công đoàn Hà Nội chuẩn bị xây dựng cơ sở hạ tầng.

Trong khi đó, tại Khu công nghiệp Quang Minh I và Quang Minh II (huyện Mê Linh), khu nhà ở cho công nhân đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đầu tư xây dựng đồng bộ các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, trong đó có trường mầm non, công trình thương mại... Tuy nhiên, từ tháng 3-2020 đến nay, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Đức vẫn chưa triển khai được do một số vướng mắc từ nguyên nhân khách quan. Bí thư Đảng ủy thị trấn Quang Minh (huyện Mê Linh) Phạm Anh Tuấn thông tin, hiện nay quỹ đất xây dựng nhà ở công nhân đã sẵn sàng, tuy nhiên chưa lập được quy hoạch... Hiện các cơ quan, đơn vị chức năng vẫn đang tập trung xử lý, tháo gỡ những vướng mắc tại đây...

Mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề nghị Chính phủ xây dựng chính sách thu hút các nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân. Đồng thời bố trí một phần vốn ngân sách nhà nước cho chương trình phát triển nhà ở cho công nhân, chăm lo hơn nữa cho người lao động. Đây là nhu cầu cấp thiết cần được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà ở công nhân - cần sự vào cuộc đồng bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.