Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Nhà mạng” lo “nhà đài” độc quyền, phá giá

Việt Nga| 21/07/2014 06:24

(HNM) - Tại cuộc họp sơ kết ngành đầu tháng 7 vừa qua, lãnh đạo Tập đoàn VNPT đã kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) có biện pháp quản lý giá, chất lượng đối với dịch vụ truyền hình trả tiền.


Theo lý giải, các "nhà đài" do có lợi thế hơn hẳn về bản quyền nội dung, lại được phép cung cấp dịch vụ internet nên có khả năng bù chéo dịch vụ, độc quyền cung cấp… dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh.

Cần có biện pháp quản lý giá, chất lượng đối với dịch vụ truyền hình trả tiền. Ảnh: Như Ý


Từ đầu năm 2012, khi thông tin các tập đoàn viễn thông rục rịch lập hồ sơ xin cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền nói chung, "nhà đài" đã lo ngại việc các nhà mạng vốn có lợi thế về tài chính từ kinh doanh viễn thông sẽ thực hiện bù chéo dịch vụ để bán phá giá thị trường. Không chỉ có vậy, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam, các "nhà đài" lớn cũng đã gửi kiến nghị đến các bộ, ban, ngành TƯ phản đối việc nhà mạng tham gia, trong đó có lý do được đưa ra là lo ngại doanh nghiệp (DN) viễn thông phá giá thị trường, lãng phí nguồn lực đầu tư…

Thực tế thì những lo ngại của nhà đài không phải không có lý. Song, theo quy hoạch đến năm 2020, cả nước phải đạt được những chỉ tiêu nhất định về số lượng đài truyền hình; cộng với xu thế không thể chối bỏ đó là sự phát triển hội tụ công nghệ trong khi các DN viễn thông lại có thế mạnh rất lớn về hạ tầng truyền dẫn (thêm nữa là tiềm lực tài chính mạnh, kinh doanh chuyên nghiệp). Các DN như Viettel, FPT lần lượt được cấp phép tham gia thị trường này trong năm 2013 (VNPT đang được xem xét hồ sơ). Và không thể phủ nhận từ khi thông tin các DN viễn thông tham gia cung cấp truyền hình trả tiền, thị trường đã có sự thay đổi rõ rệt, buộc "nhà đài" đầu tư mạnh nâng cao chất lượng, chăm sóc, ưu đãi khách hàng tốt lên.

Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử Hoàng Vĩnh Bảo:
"Nhà đài" có ưu thế hơn trên thị trường do họ là những đơn vị làm dịch vụ đầu tiên. Song, để thị trường phát triển lành mạnh, Bộ TT-TT sẽ xây dựng nghị định về quản lý dịch vụ phát thanh - truyền hình, trong đó sẽ có quy định về việc "nhà đài" phải chia sẻ nội dung, "nhà mạng" phải đưa ra giá dịch vụ hợp lý, tránh xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường
.

Trở lại với kiến nghị của Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT về quản lý giá với dịch vụ truyền hình trả tiền. Trước hết, có một thực tế là hoạt động trong lĩnh vực truyền hình trả tiền hiện nay đang có bất cập. Đó là các DN viễn thông tham gia thị trường chỉ được làm truyền dẫn mà không làm nội dung; trong khi đó, các "nhà đài" lại vừa được làm nội dung vừa được cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền vừa được cung cấp dịch vụ internet. Từ đó, dẫn đến câu chuyện "nhà đài" có thể bù chéo cho dịch vụ truyền hình và giảm giá dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh trong thị trường này.

Về vấn đề này có thể dẫn chứng, giữa VTVCab và CMC đã có sự hợp tác cung cấp dịch vụ internet trên hệ thống truyền hình cáp Việt Nam và thường xuyên gửi quảng cáo cho khách hàng lắp đặt dịch vụ internet cáp quang giá chỉ từ 135.000 đồng/tháng cộng với miễn phí lắp đặt, modem, tặng thêm 3 tháng cước. Theo đánh giá đây là mức giá quá rẻ (có không ít ý kiến phản ánh là chất lượng không bảo đảm) và có dấu hiệu phá giá thị trường khi mà cùng gói dịch vụ này cước của VNPT, Viettel, FPT dành cho hộ gia đình trung bình khoảng 200.000 đồng/tháng. Ngoài VTVCab, thì SCTV cũng cung cấp dịch vụ internet. Như vậy, có thể thấy với mức giá internet cáp quang rẻ hơn, các "nhà đài" như VTVCab đang cạnh tranh quyết liệt với các nhà mạng.

Không chỉ bị cạnh tranh mạnh về giá cước internet, "nhà mạng" còn bị thua thiệt trong việc cung cấp dịch vụ nội dung. Theo quy định, các kênh truyền hình nước ngoài, chỉ một số ít đơn vị (trong đó có VTV) được cấp phép biên tập, biên dịch dẫn tới việc độc quyền cung cấp nội dung. Do vậy, khi các "nhà mạng" phải mua lại nội dung từ các đơn vị được cấp phép này, xảy ra chuyện giá mua lại bản quyền nội dung tăng lên. Nhưng, cũng do chưa có chuẩn quy định về chất lượng nội dung, nên không ít chương trình chất lượng không bảo đảm và nghịch lý ở chỗ giá bản quyền vẫn tăng. Với những phân tích như kể trên cho thấy, trong cuộc cạnh tranh với "nhà đài", "nhà mạng" đang bị sức ép lớn, thậm chí là sự thua thiệt. Và cũng là dễ hiểu khi Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT kiến nghị Bộ TT-TT cần có biện pháp quản lý giá cả và chất lượng nội dung dịch vụ truyền hình trả tiền để bảo đảm thị trường này phát triển lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng giữa "nhà đài" và "nhà mạng".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Nhà mạng” lo “nhà đài” độc quyền, phá giá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.