(HNM) - eSIM (sim điện tử) đã và đang được các nhà mạng tại một số quốc gia trên thế giới triển khai. Tại Việt Nam, eSIM đã được Viettel, VinaPhone chính thức cung cấp ra thị trường từ ngày 1-2.
Khái niệm eSIM được nhắc đến từ năm 2017 trong một sản phẩm của Google, nhưng phải đến khi nhà sản xuất Apple ra mắt điện thoại iPhone xS, iPhone xS Max và iPhone xR (tháng 9-2018) có hỗ trợ eSIM thì công nghệ này mới được phổ biến. Hiện trên thế giới có hàng chục quốc gia đã triển khai công nghệ này.
Bên cạnh việc chấp nhận sim vật lý (thẻ sim thông thường), các dòng điện thoại như iPhone xS, iPhone xS Max và iPhone xR có thêm hỗ trợ eSIM giúp người dùng không cần cắm thẻ sim vật lý vào máy để sử dụng dịch vụ của nhà mạng.
Như vậy có thể nói rằng, eSIM được coi là giải pháp thay thế cho thẻ sim truyền thống - giúp thiết bị di động kết nối với dịch vụ của nhà mạng. Đặc biệt, với sự hỗ trợ eSIM, khách hàng dùng các dòng iPhone như kể trên giờ đây có thể được sử dụng từ 2 số điện thoại trở lên trong cùng một máy, vì công nghệ eSIM đã được tích hợp vào phần cứng của máy.
Trong thông tin gửi các cơ quan truyền thông, VinaPhone cho biết, các thao tác kích hoạt trên thiết bị rất thuận tiện với 3 bước chạm trong vòng 20 giây; sau khi kích hoạt, người dùng có thể sử dụng mọi tính năng di động như thoại, tin nhắn, dữ liệu 3G/4G… như sim vật lý thông thường. Đồng thời, cho biết khách hàng chỉ cần đăng ký online, nhân viên VinaPhone sẽ hỗ trợ hòa mạng eSIM tại nhà.
Còn Viettel thì thông báo trong thời gian đầu, cung cấp eSIM qua hệ thống cửa hàng trực tiếp và sẽ sớm hỗ trợ đăng ký online.
Được biết, sau khi công bố cung cấp eSIM ra thị trường, tính đến ngày 13-2, VinaPhone đã tiếp nhận gần 7.000 khách hàng sử dụng eSIM; Viettel có hơn 5.000 thuê bao sử dụng eSIM.
Trước đó từ cuối tháng 9-2018, các nhà mạng Viettel, VinaPhone đã lần lượt xác nhận bắt đầu nghiên cứu về eSIM; sau đó, MobiFone cũng triển khai nghiên cứu eSIM... Cũng trong thời gian này, dù chưa nhà mạng nào tuyên bố chính thức cung cấp eSIM, nhưng đáng chú ý trên một số diễn đàn, trang tin về công nghệ lại xuất hiện các clip chia sẻ của nhà mạng về cách hướng dẫn sử dụng eSIM đã gây sự chú ý của dư luận.
Tuy là sim điện tử, song để nghiên cứu eSIM, các nhà mạng phải bỏ ra chi phí không nhỏ để thử nghiệm (vì phải mua lại code của Apple mới kích hoạt được trên iPhone) và phải chi phí cho đầu tư, tập huấn, chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ cho nhân viên bán hàng... Do vậy, ở một góc độ nào đó, eSIM là xu hướng công nghệ buộc các nhà mạng phải tham gia để cạnh tranh, mang đến sự trải nghiệm công nghệ tốt nhất cho khách hàng.
Ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, nhà mạng này đã thử nghiệm thành công eSIM trong nội bộ và cung cấp cho khách hàng. Theo xu hướng, các thiết bị IoT (mạng lưới thiết bị kết nối internet) sẽ phải dùng tới eSIM để không bị ảnh hưởng bởi tác động vật lý, do vậy hiện có một số doanh nghiệp lớn đặt vấn đề với Viettel để cung cấp eSIM gắn trên các sản phẩm của họ. Được biết, eSIM có thể giúp lắp vào chiếc xe điện để giám sát hành trình, chống trộm hiệu quả và kết nối các ứng dụng thông minh...
Theo ông Nguyễn Trường Giang, Phó Tổng Giám đốc VinaPhone, eSIM sẽ là xu thế công nghệ mới, mang tới bước tiến mới trong ngành Viễn thông tại Việt Nam. Vì vậy, VinaPhone đã triển khai nghiên cứu và phát triển eSIM nhằm mang đến trải nghiệm hoàn toàn mới cho người dùng yêu thích công nghệ tiên phong. VinaPhone sẽ tiếp nhận đăng ký online để khách hàng có thể sở hữu eSIM ngay khi chính thức thương mại hóa trong tháng 2-2019.
Tuy nhiên, có một vấn đề được đặt ra là tính pháp lý trong triển khai sản phẩm này. Đó là cơ quan quản lý nhà nước cần có quy định, hoặc khuyến cáo về việc cho các nhà mạng triển khai thương mại hóa với eSIM cũng như các phương án bảo mật khi khách hàng sử dụng. Đây là đòi hỏi tất yếu trước sự phát triển và thay đổi nhanh chóng của công nghệ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.