Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà báo Viêm Hoàng: "Thời nào nhà báo cũng cần có lửa đam mê với nghề"

Tuyết Minh| 18/06/2017 13:07

(HNMO)- Ngoài 70 tuổi, nhà báo Nguyễn Viêm Hoàng vẫn cần mẫn cống hiến cho sự nghiệp báo chí cách mạng với vai trò Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Hà Nội. Gần 40 năm gắn bó với nghề báo, ông chưa hề giảm lửa nhiệt tình, đam mê...



Báo chí luôn duy trì tính cạnh tranh thông tin


Làm báo thời xưa, mặc dù điều kiện tác nghiệp và công nghệ thông tin chưa phát triển, nhưng các phóng viên đã phải có ý thức tự trau dồi nghiệp vụ và cạnh tranh thông tin.

Nhà báo Viêm Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Hà Nội.


Bằng chất giọng nhỏ nhẹ, nhà báo Viêm Hoàng kể lại, ông vốn xuất thân từ một nhà giáo. Khoảng những năm 1960, ông tham gia giảng dạy tại trường bổ túc văn hóa của một xí nghiệp may mặc, nên nắm bắt kế hoạch thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của xí nghiệp khá rõ. Lúc đó, ông thấy Báo Hànộimới vẫn hay đăng các thông tin này nên bắt đầu viết và gửi bài cho Báo Hànộimới và Đài Phát thanh và Truyền hình (PT-TH) Hà Nội. Sau này, ông được đặt bài và viết đều đặn hơn cho Báo Hànộimới. Ông kể, thời điểm đó, nhà báo Thọ Cao (Báo Hànộimới) là người trực tiếp sửa bài cho ông và ông cũng tự học, rút ra kinh nghiệm viết báo từ những bài báo đó. Đến năm 1983, ông chính thức được Đài PT-TH Hà Nội mời về làm việc tại Ban Kinh tế của Đài.

Nhà báo Viêm Hoàng kể: “Hồi đó, số lượng các ấn phẩm báo chí vẫn còn rất ít, nhưng tính cạnh tranh thông tin đã rất cao. Trong các cuộc họp, tuy chỉ có vài cơ quan báo trung ương như: Nhân Dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông Tấn xã Việt Nam hay các cơ quan báo thành phố như: Hànộimới, Đài PT-TH Hà Nội... nhưng Ban biên tập đã yêu cầu tôi là nếu hôm sau, Báo Hànộimới có tin giống tin của tôi thì tin của tôi không được đăng nữa và tôi sẽ bị kỷ luật. Đó là sự cạnh tranh thông tin giữa báo viết và đài phát thanh. Báo viết thì ngày hôm sau mới ra, còn đài thì có nhiều bản tin, nên sau khi hội nghị diễn ra, tôi phải viết ngay tin gửi về, không có chuyện họp xong mà gửi tin muộn so với giờ phát bản tin. Chính sự cạnh tranh này rèn luyện cho tôi phong cách tác nghiệp nhanh nhưng vẫn phải bảo đảm tính chính xác của thông tin”.

Ông cũng chia sẻ những câu chuyện khá thú vị về làm nghề trong điều kiện tác nghiệp khó khăn, phương tiện đi họp chủ yếu là xe đạp, có người còn không có cả xe đạp. Hay máy ghi âm hồi đó rất to, cồng kềnh, khi tác nghiệp khá bất tiện nhưng phóng viên vẫn phải "chen" vào để thu thanh cho rõ, để nghe lãnh đạo thành phố nói được chuẩn xác, hay những lần đi làm tin bão lũ, phải trực tiếp xuống địa bàn để phản ánh...

“Thời nay, phóng viên làm tin bão lũ có thể ngồi nhà cập nhật được thông tin, chứ thời chúng tôi rất vất vả, phải đạp xe đến tận nơi, nắm bắt tình hình chống lụt, bão ở địa phương đó... Nắm bắt xong, chỉ có cây bút và quyển sổ tay để viết tin, viết xong phải đạp ngay về cơ quan để nộp tác phẩm, làm gì có điện thoại để đọc tin về, hay làm gì có mạng internet để chuyển tin như bây giờ”, ông tâm sự.

Tính khách quan, trung thực, chính xác trong thông tin chính là đạo đức nghề báo


Theo nhà báo Viêm Hoàng, yêu cầu của tất cả các tòa soạn là thông tin phải “khách quan, trung thực, chính xác” - tính chuẩn mực của mỗi thời đều giống nhau, tuy nhiên, làm được đúng chuẩn mực đó là điều không đơn giản.


Ông ví dụ một chi tiết nhỏ: “Một tờ báo gần đây có đăng như sau: “Uy hiếp nhà báo, phóng viên sẽ bị phạt từ 40 triệu đồng trở lên”. Câu này về mặt ngữ pháp là sai, phải viết là “Uy hiếp nhà báo hoặc phóng viên, sẽ bị phạt từ 40 triệu đồng”... Điều này cho thấy, người làm báo phải rất cẩn thận trong từng câu chữ. Thời chúng tôi mà viết sai như thế sẽ bị phạt”. Theo ông, hiện nay, tình trạng sai câu chữ trên các báo mạng khá phổ biến, báo in thì đỡ hơn vì qua nhiều lớp biên tập. Tình trạng này nếu không chấn chỉnh ngay sẽ là thảm hoạ về ngôn ngữ.

Theo nhà báo Viêm Hoàng, tuy hiện nay số lượng các cơ quan báo chí nhiều nhưng nhiều tờ đưa tin chưa "đến nơi đến chốn", thông tin chưa chính xác. Lấy ví dụ như thông tin Hà Nội dự kiến di dời cây xanh - đó mới chỉ là đề xuất của nhà đầu tư chứ thành phố chưa quyết định, nhưng một số báo mạng đã giật tít “sẽ di dời...”, coi đó như là việc “chắc chắn”. Đây chính là ý thức, trách nhiệm công dân, đạo đức nghề nghiệp của nhà báo: nếu vấn đề chưa chính xác thì nhất định không đưa những thông tin gây hiểu lầm. Nó cũng thể hiện cái tâm, cái tầm của người làm báo khi phản ánh một vấn đề cần phải lưu ý đến tầm ảnh hưởng của thông tin đó đối với xã hội, nó có mang lại ảnh hưởng tốt cho xã hội hay gây những xáo trộn không cần thiết, gây hiểu lầm, chia rẽ...

Chính vì vậy, đánh giá “khách quan, trung thực, chính xác” thông tin là yếu tố căn bản, người làm báo thời nào cũng phải nhận thức được điều đó. Nếu nhà báo nào không nhận thức được, sẽ không thể tồn tại lâu dài với nghề bởi không lấy được niềm tin của độc giả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà báo Viêm Hoàng: "Thời nào nhà báo cũng cần có lửa đam mê với nghề"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.