Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà báo và trách nhiệm công dân

Nữ Quỳnh| 21/06/2014 02:20

(HNM) - Báo chí ngày nay có sức ảnh hưởng mạnh mẽ và có vai trò to lớn trong việc cung cấp thông tin và định hướng dư luận. Niềm tin của công chúng, hay nói rộng hơn là của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước có được củng cố bền vững hay không có sự đóng góp rất lớn của báo chí. Chính báo chí đã được trao trọng trách là ngọn cờ định hướng dư luận xã hội, tạo nên những dòng chảy thông tin từ hiện thực cuộc sống, giúp cho Nhà nước quản lý xã hội một cách ổn định nhất.


Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ". Thật vui mừng khi những người làm báo Việt Nam trong nhiều năm qua đã phát huy tốt nhất sứ mệnh cao cả ấy. Thực tế đã chứng minh, báo chí không những làm tốt nhiệm vụ cổ vũ phong trào yêu nước của nhân dân, mà còn góp phần không nhỏ phát hiện những tiêu cực trong xã hội, lật tẩy nhiều vụ án tham nhũng, tham ô lớn. Báo chí cũng tham gia tích cực đấu tranh chống những biểu hiện thoái hóa, biến chất, tự diễn biến trong một bộ phận cán bộ đảng viên và người dân; vạch trần những âm mưu của các thế lực thù địch, góp phần đáng kể vào công cuộc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng...

Thế nhưng, cũng thật đáng lo khi ở một chừng mực nào đó, niềm tin của công chúng vào báo chí thời gian qua đang bị tác động khá mạnh mẽ.

Tình trạng một số cơ quan truyền thông chạy theo lối làm báo "lá cải", thị trường, chộp giật, phi nhân văn, vi phạm bản quyền… đã khiến cho vấn đề đạo đức nghề nghiệp của người làm báo (đạo đức báo chí) và vấn đề trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của nhà báo trở thành những câu chuyện "nóng" được bàn luận rất nhiều. Có thể thấy, làm báo thời nay đã thuận lợi hơn rất nhiều nhờ vào sự phát triển của khoa học, công nghệ. Tuy nhiên, trong một "thế giới phẳng", sự bùng nổ của Facebook, YouTube, Twister… khiến truyền thông không còn là "độc quyền" của báo chí và người ta đang quen dần với khái niệm "báo chí công dân" thì quả thực LÀM BÁO lại trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Báo chí đang đứng trước những thách thức vô cùng to lớn. Làm thế nào có thể đưa thông tin riêng để tờ báo có tiếng nói riêng, vừa nhanh nhạy, kịp thời nhưng lại vừa phải bảo đảm tính chính xác, trung thực, không bị "thương mại hóa"?

Theo logic thì mục tiêu hướng tới của báo chí là độc giả. Một bài báo được đăng tải càng có nhiều người đọc càng tốt. Hiểu tích cực thì nhiều người đọc tức là bài báo đó hay, được công chúng quan tâm; song chiểu theo một cách thực dụng thì nhiều người đọc (mua báo giấy hoặc truy cập mạng) cũng đồng nghĩa với việc đem lại nhiều lợi ích vật chất cho cơ quan báo chí đó hơn. Và trong nền kinh tế thị trường thì điều này được xem như yếu tố sống còn với không ít cơ quan báo chí. Đây chính là căn nguyên của tình trạng báo "lá cải" bùng nổ, là chỗ cho sự "thương mại hóa" báo chí phát triển. Nhiều tờ báo đã "cạnh tranh" bằng thông tin giật gân, nhảm nhí, chạy đua bằng mọi giá để có những thông tin "nóng", bất chấp tính chính xác và tác động tiêu cực của nội dung thông tin. Thêm vào đó là những biểu hiện coi thường đạo đức nghề nghiệp của một số phóng viên, nhà báo với những hành vi tống tiền, dọa nạt, bịa đặt thông tin... Những biểu hiện chệch hướng này đang góp phần tạo nên xu hướng hoài nghi, mất niềm tin trong công chúng, mà nếu không lập tức có sự chấn chỉnh, báo chí sẽ tự đánh mất đi vai trò thực sự của mình trong việc dẫn dắt, định hướng công chúng.

Để căn chỉnh, thay đổi thực trạng trên, giúp báo chí, truyền thông lấy lại được niềm tin của dư luận, công chúng thì các cơ quan báo chí và mỗi người làm báo phải xác định rõ đạo đức báo chí chính là trách nhiệm của mình. Và đó chính là trách nhiệm công dân đối với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội; trách nhiệm đối với vận mệnh của dân tộc, của đất nước.

Tất nhiên, việc nâng cao chất lượng báo chí thế nào, xóa bỏ biểu hiện "lá cải" trong báo chí ra sao cũng rất cần một sự quyết liệt trong giải pháp quản lý nhà nước về báo chí và hẳn nhiên cũng cần đến sự nghiêm túc của bạn đọc trong việc lựa chọn, tiếp nhận thông tin từ báo chí.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà báo và trách nhiệm công dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.