(HNM) - Theo Hội Côn trùng học Việt Nam, sâu ban miêu hay còn gọi là con thầy cúng, manh trùng, ban manh, ban mao. Đây là sâu có cánh cứng, đầu hình tim, có rãnh dọc ở giữa, râu đen hình sợi. Thân sâu có 11 đốt, giữa đầu và thân có một chỗ thắt lại... Sâu ban miêu rất độc, nếu ăn phải sẽ bị ngộ độc, có thể tử vong.
Trong dân gian truyền tai nhau công dụng của sâu ban miêu tăng cường sinh lý cho nam giới. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), sâu ban miêu có chất cantharidin rất độc, gây hủy hoại protein. Khi vào cơ thể, qua đường tiêu hóa sẽ gây tình trạng ngộ độc nặng nhất, gây tổn thương dạ dày ruột, đau bụng, nôn mửa, chảy máu đường tiêu hóa, hoại tử ruột, tổn thương tất cả cơ quan cơ thể, thận, gan, máu.
Ngộ độc sâu ban miêu gặp không nhiều, nhưng rất nặng nề. Hầu hết bệnh nhân tiếp xúc qua đường tiêu hóa bị tổn thương đa tạng, suy đa tạng, tỷ lệ tử vong đến hơn 50%. Các bệnh nhân ngộ độc sâu ban miêu thường bị tổn thương đa cơ quan, tụt huyết áp, suy hô hấp. Xét nghiệm máu cho thấy trong máu bị nhiễm axit nặng, tổn thương cơ và suy thận, suy gan.
Hiện tại, chưa có phác đồ điều trị hiệu quả. Chất độc này không phân hủy ở nhiệt độ cao. Nếu dùng tay bắt trực tiếp mà tiếp xúc với da gây bỏng rát, dính vào mắt sẽ tổn thương giác mạc, hoặc hít phải khi mở bao đựng sâu cũng gây tình trạng dị ứng trầm trọng. Dấu hiệu ngộ độc sâu ban miêu thường là buồn nôn, nôn, run tay chân, một số trường hợp nặng nôn nhiều, co giật tay chân, chóng mặt, tăng tiết, cứng hàm, kích thích vật vã, khó thở, ý thức lơ mơ, hôn mê, sẩn ngứa... và có thể tử vong.
Để phòng tránh ngộ độc chất cantharidin, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo người dân tuyệt đối không được sử dụng sâu ban miêu làm thực phẩm hoặc chế biến dưới mọi hình thức.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.