Nguy cơ nhiễm bệnh khi ăn thực phẩm tái, sống dù đã được cảnh báo rất nhiều nhưng không ít người vẫn chủ quan.
Hậu quả là thời gian gần đây, nhiều bệnh viện liên tục tiếp nhận bệnh nhân nhiễm giun, sán phải điều trị dài ngày, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng chỉ vì sở thích ăn uống không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm này.
Ốm vì nghiện thịt chua, rau sống, gỏi cá…
Sau khi bị nổi sẩn ngứa, ban mày đay toàn thân, bà B.T.H (58 tuổi, ở tỉnh Hòa Bình) tự mua thuốc về uống và tắm lá cây để giảm ngứa nhưng tình trạng không thuyên giảm. Lo lắng nên bà đã đi khám nhiều nơi và điều trị nhiều đợt với nhiều loại thuốc khác nhau nhưng tình trạng sẩn ngứa, ban mày đay vẫn tái đi tái lại.
Được người quen giới thiệu, bệnh nhân đến Phòng khám Đa khoa Medlatec Cầu Giấy (Hà Nội) để kiểm tra. Sau khi khám và thực hiện các xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân được chẩn đoán, mắc ban mày đay mạn tính do nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo.
Trực tiếp khám và điều trị cho trường hợp trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Ánh, chuyên gia Ký sinh trùng, Hệ thống Y tế Medlatec, giảng viên chuyên ngành Nấm y học, Vi - ký sinh trùng y học, Học viện Quân y khẳng định, việc điều trị các bệnh ký sinh trùng nói chung và ban mày đay mạn tính do giun đũa chó mèo nói riêng đòi hỏi người bệnh cần có sự kiên trì và tuân thủ phác đồ được chỉ định. Bác sĩ không chỉ kê đơn thuốc mà còn tiến hành tư vấn để bệnh nhân có kiến thức về bệnh, an tâm và tuân thủ phác đồ điều trị.
Khai thác tiền sử, các bác sĩ được biết, từ nhiều năm nay, bệnh nhân H. có thói quen ăn thịt chua. Vào mùa hè, thịt chua cũng là món ăn được nhiều người ưa thích. Với món ăn truyền thống này, nguyên liệu chủ yếu là thịt lợn tươi sống ướp trong thính gạo để lên men tự nhiên. Quá trình chế biến không trải qua bất kỳ công đoạn xử lý nhiệt nào.
Do đó, theo các chuyên gia y tế, nguy cơ nhiễm ký sinh trùng từ món ăn khoái khẩu này là rất lớn. Không chỉ bệnh nhân H., tỷ lệ những người bị nhiễm ký sinh trùng do sở thích ăn thực phẩm tái, sống, như: Nem chua, tiết canh, các món gỏi, rau sống... chiếm một phần không nhỏ tại các cơ sở y tế.
Đơn cử như trường hợp bệnh nhân T.Đ.T (21 tuổi, ở tỉnh Yên Bái) có thói quen thích ăn gỏi cá. Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương trong tình trạng: Sốt, chóng mặt, nôn, ngứa nhiều, tê cứng, mẩn đỏ và phát ban ở da. Thậm chí, dưới da ở đùi, mặt, cẳng tay, bụng, lưng đều có hình ảnh ký sinh trùng di chuyển. Sau khi hội chẩn và làm các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm Dracunculus sp (giun rồng) và nhiều loại giun sán khác, như: Sán máng, sán dây chó, sán lợn, giun lươn, giun đũa chó mèo. Bệnh nhân đã được xử lý và lấy được bệnh phẩm ký sinh trùng là con giun dài khoảng 30cm, đồng thời tiếp tục được điều trị các loại giun, sán khác.
Tương tự, tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương) thời gian gần đây cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhiễm các bệnh ký sinh trùng do ăn uống không bảo đảm vệ sinh, ăn thực phẩm tái, sống.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Văn Thọ, Phó Giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho biết, ký sinh trùng như sán dây bò thường ký sinh trong thịt nạc, nội tạng động vật. Bởi vậy, các món từ thịt, nội tạng bò, lợn không được nấu chín có nguy cơ cao nhiễm ký sinh trùng, như: Sán dải bò (sán xơ mít), sán lá gan… Các ký sinh trùng này có thể gây bệnh tại hệ tiêu hóa, ảnh hưởng đến ruột, gan và các cơ quan khác trong cơ thể.
Tuân thủ ăn chín, uống sôi
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Ánh, triệu chứng lâm sàng khi nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo thường mờ nhạt, không đặc hiệu. Ở một số người có thể xuất hiện tình trạng mệt mỏi, dị ứng, sẩn ngứa, mày đay, đau nhức cơ, đau cơ, ậm ạch, đầy bụng, khó tiêu… Ấu trùng giun đũa chó mèo cũng có thể ký sinh, gây tổn thương ở gan, phổi, hệ thần kinh trung ương hay ở mắt.
“Do bệnh không có triệu chứng đặc hiệu nên dễ bị bỏ qua. Vì vậy, những người xuất hiện các dấu hiệu như rối loạn tiêu hóa, sẩn ngứa, mày đay, các biểu hiện của gan, phổi, não hoặc có yếu tố nguy cơ cao thì nên đến cơ sở y tế để được thăm khám, xét nghiệm và được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Ánh khuyến cáo.
Trên thực tế, việc chẩn đoán các bệnh lý ký sinh trùng nói chung, bệnh do ấu trùng giun đũa chó mèo nói riêng còn gặp nhiều khó khăn và thách thức, không phải trường hợp nào cũng xác định chính xác vị trí ký sinh của ấu trùng trong cơ thể. Việc chẩn đoán và điều trị đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm và hiểu biết về đặc điểm sinh học của mầm bệnh.
Do đó, người dân cần tìm hiểu và lựa chọn các cơ sở y tế có uy tín, đáp ứng năng lực chuyên môn cũng như trang bị hệ thống thiết bị xét nghiệm hiện đại để được chẩn đoán chính xác, điều trị hiệu quả.
Ngoài ra, để phòng ngừa hiệu quả nguy cơ mắc bệnh lý ký sinh trùng, biện pháp quan trọng nhất là tuân thủ nguyên tắc vệ sinh trong ăn uống, thực hiện ăn chín, uống sôi.
Đồng quan điểm trên, bác sĩ Trần Văn Thọ cho biết thêm, nhiều người quan niệm, khi ăn thực phẩm tái, sống thì chỉ cần tẩy giun định kỳ sẽ có thể phòng các loại ký sinh trùng nhưng điều này hoàn toàn sai lầm. Việc tẩy giun định kỳ chỉ có tác dụng diệt các loại giun thông thường, như: Giun đũa, giun móc, giun tóc, giun kim, chứ không có tác dụng với các loại sán. Tuy nhiên, ký sinh trùng sẽ bị tiêu diệt trong nhiệt độ cao. Vì vậy, cách đơn giản nhất để phòng bệnh là ăn chín, uống sôi, không ăn đồ tái, sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.