Dù đã được cảnh báo rất nhiều nhưng thời gian gần đây lại xuất hiện nhiều ca nhiễm liên cầu khuẩn lợn nhập viện, trong đó có những trường hợp rơi vào tình trạng nguy kịch, thậm chí tử vong.
Để phòng bệnh, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân nên ăn chín, uống sôi và không nên giết mổ, sử dụng thịt lợn ốm, chết.
Đường lây truyền bệnh
Thời gian gần đây, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương thường xuyên tiếp nhận và điều trị các trường hợp nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng rất nguy kịch, suy đa phủ tạng và rối loạn đông máu nghiêm trọng. Có những bệnh nhân được chữa khỏi nhưng phải cắt bỏ đầu ngón tay hoặt ngón chân bị hoại tử…
Đơn cử như người đàn ông 57 tuổi (ở tỉnh Yên Bái), chỉ sau khi mổ lợn khoảng 3 giờ liền rơi vào trạng thái sốt cao, đau bụng, nôn nhiều. Sau đó, nam bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn và được chẩn đoán mắc liên cầu khuẩn lợn. Trước đó, người đàn ông 50 tuổi ở tỉnh Nam Định đã ăn tiết canh và một ngày sau xuất hiện triệu chứng sốt cao, đi ngoài. Khi nhập viện, bệnh nhân rơi vào trạng thái sốc nhiễm khuẩn do nhiễm liên cầu lợn. Dù được các bác sĩ dốc sức cứu chữa nhưng bệnh nhân không qua khỏi.
Ngay trong tháng 6-2024, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 2 trường hợp mắc liên cầu khuẩn lợn, trong đó nam bệnh nhân 83 tuổi ở quận Hà Đông khởi phát các triệu chứng sốt cao, đau đầu, cứng gáy, rối loạn ý thức sau khi ăn tiết canh tại đám cỗ. Xét nghiệm cấy máu của bệnh nhân cho kết quả dương tính với liên cầu khuẩn lợn. Như vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã có 3 trường hợp mắc liên cầu khuẩn lợn.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) cho biết, bệnh liên cầu khuẩn lợn do vi khuẩn Streptococcus suis gây nên. Liên cầu lợn được phát hiện ở nhiều nơi trên thế giới, chủ yếu ở những nơi chăn nuôi lợn. Vi khuẩn thường cư trú ở đường hô hấp trên, đặc biệt là ở mũi, họng, ở đường tiêu hóa và sinh dục của lợn.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Hậu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, liên cầu khuẩn lợn xuất hiện chủ yếu ở lợn nhà nhưng đôi khi vẫn tìm thấy ở lợn rừng, ngựa, chó, mèo và chim. Ngoài ra, vi khuẩn này còn tồn tại ở trong rác, phân, nước. Liên cầu khuẩn lợn có 2 loại, loại I gây dịch bệnh lẻ tẻ ở những đàn lợn nhỏ đang bú sữa; loại II gây bệnh ở lợn mọi lứa tuổi và có thể lây nhiễm cho người. Thời gian ủ bệnh của liên cầu khuẩn lợn ở người thường rất ngắn, chỉ từ vài giờ đến 3 ngày.
“Liên cầu khuẩn lợn có thể lây nhiễm sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với lợn bệnh hoặc lợn lành nhưng mang mầm bệnh. Vi khuẩn còn lây qua đường giết mổ, chế biến từ những vết thương hở trên da và sử dụng thịt lợn bệnh không chế biến kỹ. Do vậy, nhiễm liên cầu khuẩn lợn không chỉ gặp ở người chăn nuôi, người giết mổ mà cả người bán thịt, người nội trợ, người chế biến thịt lợn hay ăn tiết canh, thịt lợn chưa được nấu chín kỹ. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và cũng chưa có bằng chứng vi khuẩn này có thể lây truyền từ người sang người…”, bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Hậu thông tin thêm.
Không nên chủ quan
Đề cập đến triệu chứng của bệnh, bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Hậu lưu ý, khi mắc liên cầu khuẩn lợn sẽ gây nhiễm trùng toàn thân, ảnh hưởng đến một số cơ quan, phổ biến là viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết. Bệnh đó còn có một số triệu chứng “điển hình” như: Sốt, đau đầu, điếc, nôn mửa, rối loạn tri giác, cứng gáy, xuất huyết dưới da, xuất huyết tiêu hóa, đôi khi gây hoại tử. Trường hợp bị nhiễm khuẩn huyết do liên cầu khuẩn lợn xâm nhập vào máu, vi khuẩn sẽ sản sinh nhanh chóng và sinh ra nhiều độc tố. Khi đó, ngoài các triệu chứng nêu trên, người bệnh có thể bị nhiễm độc tố nặng với các biểu hiện như: Tụt huyết áp, rối loạn đông máu, suy đa phủ tạng, trụy tim mạch, suy hô hấp, hôn mê…, dễ dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Theo các chuyên gia y tế, tỷ lệ tử vong do nhiễm liên cầu khuẩn lợn là khoảng 7%. Nếu bệnh nhân được cứu sống, tỷ lệ di chứng cũng rất cao (khoảng 40%, thường là bị điếc không hồi phục). Việc điều trị bệnh liên cầu khuẩn lợn cũng rất tốn kém, thời gian điều trị thường kéo dài với những loại kháng sinh đặc trị liều cao và phải sử dụng nhiều biện pháp hỗ trợ khác như: Lọc máu, hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn. Nếu bệnh nhân bị liên cầu khuẩn lợn thể viêm màng não mủ thì có thể phải nằm viện điều trị ít nhất là 3 tuần. Sau khi nhiễm liên cầu khuẩn lợn, người bệnh hoàn toàn có thể mắc lại lần sau do bệnh không để lại miễn dịch lâu dài. Chính vì vậy, người dân không nên chủ quan.
Để phòng bệnh, các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần chủ động tránh xa nguồn lây nhiễm bệnh, thực hành vệ sinh cá nhân cũng như môi trường sống xung quanh sạch sẽ như rửa tay kỹ khi tiếp xúc với lợn nuôi hoặc thịt lợn. Ở những hộ chăn nuôi, khi lợn ốm chết phải chôn, đổ thuốc sát khuẩn, tiêu hủy; chuồng trại cần phun thuốc sát khuẩn, khử khuẩn, hoặc báo ngay cho chính quyền địa phương để có hướng điều trị xử lý triệt để. Người tiêu dùng nên chọn thịt lợn có dấu mộc kiểm định của cơ quan thú y, tránh mua thịt có màu sắc bất thường. Ngoài ra, không ăn thịt lợn bị bệnh, thịt tái, đặc biệt là tiết canh, nem chua… và cần thực hiện việc ăn chín, uống sôi.
Những người bị vết thương hở phải đeo bảo hộ khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống. Vệ sinh dụng cụ chế biến thịt lợn sạch sẽ, cần sử dụng riêng dụng cụ chế biến thịt chín và thịt sống. Khi có triệu chứng sốt sau khi tiếp xúc với lợn và thịt lợn cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.