An toàn thực phẩm

“Ăn chín, uống sôi” để phòng bệnh sán lá gan lớn

Xuân Lộc 11/06/2024 - 07:06

Thời gian qua, tại các bệnh viện trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đã tiếp nhận những bệnh nhân bị nhiễm sán lá gan lớn mà nguyên nhân do thói quen ăn rau sống.

Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sán lá gan lớn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Điều đáng nói là biểu hiện của bệnh không điển hình, dễ nhầm lẫn với bệnh khác. Do đó, để phòng bệnh, người dân phải thực hiện triệt để việc “ăn chín, uống sôi”.

attp.jpg
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm sán lá gan tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ.

Mắc bệnh do nghiện ăn rau sống

Có tiền sử mắc bệnh bạch cầu cấp đã điều trị hóa chất 5 đợt, nam bệnh nhân N.T.D (39 tuổi ở Phú Yên) đến Viện Huyết học - Truyền máu trung ương tái khám để tiếp tục điều trị hóa chất. Tuy nhiên, bệnh nhân xuất hiện ho có đờm đục, đau tức ngực, sốt. Kết quả siêu âm ổ bụng phát hiện khối áp xe gan và bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương để điều trị. Tại đây, qua khai thác tiền sử, các bác sĩ được biết, anh D. nghiện ăn rau sống, đặc biệt là rau muống được trồng dưới ao, hồ và rau ngổ sống. Kết quả thăm khám và xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị nhiễm sán lá gan lớn.

Theo Tiến sĩ Vũ Minh Điền, Phó Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, người mắc bệnh sán lá gan thường có triệu chứng đau hạ sườn phải âm ỉ, không đặc hiệu. Người bệnh thường có cảm giác mệt mỏi, đầy bụng và khó tiêu. Thậm chí, có rất nhiều trường hợp không có biểu hiện lâm sàng rõ rệt. Nhiễm sán lá gan cấp tính có thể gây đau bụng, gan to, buồn nôn, sốt, nổi mề đay, sụt cân… Nếu một người nhiễm sán lá gan lớn mãn tính không được điều trị lâu ngày có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: Viêm đường mật, sỏi mật, viêm túi mật, viêm tụy, xơ đường mật và xơ hóa gan.

Từng tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp bị sán lá gan lớn, bác sĩ Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc Thường trực Bệnh viện Đặng Văn Ngữ thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương cho rằng, sán lá gan lớn thuộc họ sán lá, thường ký sinh ở nhu mô gan, tạo thành ổ áp xe giống như khối u ở trong gan. Sán xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống, bám vào các loại rau trồng dưới nước như: Rau cần, ngổ, rau muống nước, cải xoong, ngó sen, ốc… Do đó, khi ăn các thực phẩm này chưa được nấu chín, nguy cơ nhiễm sán rất cao.

“Nhiều bệnh nhân không có triệu chứng gì, khám sức khỏe định kỳ mới phát hiện tổn thương gan do nhiễm sán lá gan lớn. Thậm chí, có trường hợp nhiễm sán lá gan lớn, đi khám ở bệnh viện tuyến tỉnh bị chẩn đoán là u gan và được chỉ định cắt bỏ thùy gan trái. Thế nhưng, khi phẫu thuật cắt gan và xét nghiệm lại mới phát hiện khối u chính là sán lá gan. Trường hợp này chỉ cần điều trị sán là hết bệnh. Do đó, trước khi có chỉ định phẫu thuật cắt thùy gan, người bệnh nên được tiến hành làm các xét nghiệm loại trừ sán lá gan lớn”, bác sĩ Trần Huy Thọ lưu ý.

Dù không phải là bệnh mới nhưng sán lá gan lớn xuất hiện ngày càng nhiều. Các chuyên gia y tế cho rằng, không chỉ dễ nhầm lẫn với u gan và ung thư gan, có những trường hợp, sán lá gan lớn đục xuyên từ gan ra bên ngực, rồi chui vào tuyến vú gây bệnh cảnh giống như áp xe vú (sưng, nóng, đỏ, đau) nhưng chọc dò hút mủ lại không có.

Biện pháp duy nhất là nấu chín thực phẩm

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) luôn xem Việt Nam là một vùng dịch tễ của sán lá gan lớn. Các điều tra dịch tễ cũng cho thấy, bệnh sán lá gan thường gặp ở 20 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc và 12 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và miền Nam với ước tính hơn một triệu người nhiễm bệnh. Riêng bệnh sán lá gan lớn gặp ở 53/63 tỉnh, thành phố và những năm gần đây ghi nhận khoảng 10-15 nghìn ca bệnh/năm.

Theo Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh sán lá gan lớn của Bộ Y tế, triệu chứng lâm sàng của bệnh do sán lá gan lớn thường không đặc hiệu, có trường hợp không có triệu chứng. Khi bệnh diễn tiến nặng hơn, bệnh nhân xuất hiện đau vùng hạ sườn phải lan về phía sau (chiếm 70-80% các trường hợp), hoặc đau vùng thượng vị. Ở thể nặng, một số người bệnh có biểu hiện lâm sàng của biến chứng: Tắc mật, viêm đường mật, viêm tụy cấp, xuất huyết tiêu hóa... Mặt khác, các triệu chứng biểu hiện sự tổn thương tổ chức nơi sán ký sinh lạc chỗ như khớp, vú, cơ ngực, bắp chân hoặc các cơ quan khác.

Thế nhưng, người dân còn chủ quan về bệnh và cho rằng, khi nghiện ăn rau sống hay các món tái, chưa được nấu chín kỹ thì chỉ cần tẩy giun định kỳ sẽ có thể phòng các loại ký sinh trùng, sán lá gan, sán lá phổi hay sán lợn. Bác sĩ Trần Huy Thọ cho rằng, quan điểm này là hoàn toàn sai lầm. Tẩy giun định kỳ chỉ có tác dụng tẩy các loại giun thông thường như giun đũa, giun móc, giun tóc, giun kim chứ không có tác dụng với các loại sán. Thực tế, cách duy nhất có thể tiêu diệt sán và các loại ký sinh trùng là nấu chín thực phẩm.
Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Vũ Minh Điền khuyến cáo, nhiễm sán lá gan lớn liên quan đến thói quen và tập quán ăn uống của người dân. Vì vậy, phòng bệnh là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết. Do đó, người dân không nên ăn sống các loại rau mọc dưới nước như: Rau muống, rau ngổ, rau cần, cải xoong, rau rút… Ngoài ra, người dân không nên có thói quen uống nước lã chưa được đun sôi. Nếu có các biểu hiện nghi ngờ nhiễm bệnh, người dân cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa ký sinh trùng để được khám và điều trị kịp thời. Ngay cả với những người vốn có thói quen ăn sống các loại rau mọc dưới nước hoặc ăn các thực phẩm không được chế biến kỹ cũng nên đi khám, tầm soát bệnh. Khi điều trị sớm, người bệnh đáp ứng tốt với thuốc sẽ được chữa khỏi hoàn toàn. Ngược lại, nếu điều trị càng muộn, các tổn thương cơ thể do sán gây ra càng nặng nề.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Ăn chín, uống sôi” để phòng bệnh sán lá gan lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.