(HNM) - Khoảng 2 tuần nữa là khu vực ngoại thành Hà Nội bước vào thu hoạch lúa mùa để xuống đồng sản xuất cây vụ đông và xây dựng phương án sản xuất vụ xuân.
Tuy nhiên, đến thời điểm này khi mùa mưa đã đến giai đoạn cuối nhưng các hồ chứa nước trên địa bàn thành phố vẫn đang ở mức thấp, mới chỉ đạt khoảng 37% dung tích thiết kế, khiến nguy cơ thiếu nước sản xuất ở vụ đông xuân 2015-2016 là rất lớn.
Hồ chứa thiếu nước trầm trọng
Hà Nội hiện có 95 hồ chứa nước lớn, nhỏ với tổng dung tích thiết kế trên 200 triệu mét khối, trong đó 29 hồ chứa nước lớn do thành phố quản lý, còn lại thuộc các quận, huyện, thị xã. Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi Hà Nội, đến cuối tháng 8-2015, tổng lượng nước của các hồ mới chỉ đạt 37% dung tích, chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ nhiều năm.
Đặc biệt, những hồ lớn như Suối Hai có dung tích thiết kế là 46,3 triệu mét khối, nhưng hiện nay lượng nước trong hồ chỉ có khoảng 9,5 triệu mét khối (bằng 20% dung tích); hồ Đồng Mô có thiết kế gần 62 triệu mét khối cũng chỉ còn 16,06 triệu mét khối (đạt 26%); hồ Tân Xã xấp xỉ 4 triệu mét khối, hiện còn 1,04 triệu mét khối (đạt 26%)… Mực nước các hồ Mèo Gù, Đồng Quan, Đền Sóc, Bàn Tiện, Miễu, Quan Sơn cũng đang ở mức dưới 40% dung tích thiết kế. Đây là thực tế đáng lo ngại không chỉ trong sản xuất vụ đông 2015 mà cả vụ xuân 2016.
Hồ Quan Sơn đang ở mức nước dưới 40% dung tích thiết kế. Ảnh: Linh Ngọc |
Theo ông Nguyễn Vĩnh Liên, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội, năm nay do ảnh hưởng của El Nino, lượng mưa trung bình trên địa bàn thành phố chỉ đạt 138mm, bằng một nửa so với trung bình nhiều năm. Thậm chí, trong tháng 7, 8 xảy ra nhiều đợt nắng nóng gay gắt, mưa ít đã khiến các hồ chứa cạn nước. "Nếu lượng mưa trong thời gian tới tiếp tục thấp thì các hồ chứa chỉ đạt khoảng từ 40-45% dung tích. Khả năng thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới là rất lớn" - ông Liên cho biết. Cụ thể, qua kiểm tra của Chi cục Thủy lợi cho thấy, các địa phương có diện tích lớn cây trồng có nguy cơ thiếu nước sản xuất là: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây...
Nguy cơ hạn trên diện rộng
Ông Đặng Tuấn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Sông Tích cho biết, trong vụ đông xuân 2015-2016, tổng diện tích cây trồng các địa phương Sơn Tây, Quốc Oai, Thạch Thất, Ba Vì đăng ký phục vụ nước tưới từ các hồ là hơn 8.300ha. Trong đó, thị xã Sơn Tây khoảng 4.000ha sử dụng nguồn nước từ Hồ Đồng Mô, Xuân Khanh, Linh Khiêu; Ba Vì có gần 3.000ha lấy nước trực tiếp từ các hồ Suối Hai, Mèo Gù, Hồ Vổng, Hồ Đầm; Thạch Thất có gần 500ha...
Để đối phó với tình hình thiếu nguồn nước phục vụ sản xuất của các địa phương, công ty đang lập phương án chống hạn cho vụ đông xuân 2015-2016 với các giải pháp như: Tính toán cân bằng nước cho các hồ chứa theo các phương án bất lợi là lượng nước thiếu hụt 30-80% so với bình quân hàng năm; bổ sung nguồn nước từ các trạm bơm tiếp nguồn, lắp đặt trạm bơm cục bộ tận dụng nguồn nước từ các ao, thùng đấu…. Đồng thời, công ty thông báo kịp thời tình trạng thiếu hụt nước hồ để các địa phương chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho các vùng diện tích đã đăng ký sản xuất. Tương tự, tại các địa phương như: Sóc Sơn, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức cũng có hàng nghìn héc ta đất nông nghiệp phụ thuộc vào nguồn nước hồ đang đứng trước nguy cơ thiếu nước sản xuất trong những vụ tới.
Trước tình hình trên, Sở NN&PTNT Hà Nội đã yêu cầu doanh nghiệp thủy lợi và các địa phương thường xuyên kiểm tra hệ thống công trình thủy lợi; đồng thời triển khai ngay các biện pháp nạo vét kênh mương, các hồ chứa nhỏ, tạo nguồn nước ngay từ bây giờ để phục vụ sản xuất. Các HTX nông nghiệp vận động xã viên, nông dân tổ chức gia cố đê bao, bờ thửa để kịp thời tích trữ nước khi có mưa. Các công ty thủy nông, đơn vị quản lý các hồ chứa theo dõi tình hình mưa lũ, có kế hoạch tích trữ nước vào ao, hồ, đập để phục vụ sản xuất vụ mùa, vụ đông năm 2015 và vụ xuân tới. Ngoài ra, Sở NN&PTNT sẽ xây dựng phương án trình UBND thành phố cho điều chỉnh lịch sản xuất vụ đông xuân và chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng ở những vùng khó khăn về nguồn nước tưới.
Ông Trần Thanh Nhã, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, khả năng thiếu nước tưới trong sản xuất nông nghiệp của Hà Nội là rất lớn. Trong nhiều tháng qua, Sở liên tục có văn bản cảnh báo tới các huyện, thị xã để chủ động xây dựng phương án dự phòng và có kế hoạch sản xuất phù hợp, nhất là các địa phương có diện tích sản xuất lớn phụ thuộc nguồn nước hồ. Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp thủy lợi tổ chức kiểm tra, rà soát nhu cầu sử dụng nước của từng vùng để lập kế hoạch tưới cho phù hợp. Ngoài ra, Sở cũng đề nghị các đơn vị, địa phương từ nay đến cuối năm tăng tối đa khả năng trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm, chỉ ưu tiên cung cấp nước hồ cho sinh hoạt, chăn nuôi trong điều kiện thật cần thiết...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.