(HNM) - Ít nhất đã hai lần người dân phong tỏa không cho chở rác vào đổ tại khu xử lý rác thải Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây). Nguyên nhân là do sự chủ quan, chậm trễ của các ngành chức năng khi giải quyết những vấn đề phát sinh từ khu xử lý rác thải.
Đáng nói, nguy cơ xảy ra một đợt ùn ứ rác mới đang hiển hiện rõ khi bãi rác đã quá tải nhưng các thủ tục để mở rộng khu chôn lấp 1,2ha vẫn chưa được khai thông.
Nguy cơ ùn ứ rác như đợt cuối tháng 5-2010 tại thị xã Sơn Tây và vùng phụ cận đã hiển hiện. Ảnh: Vui Nguyên |
Hết tháng 8 không còn nơi đổ rác
Đã hai lần, PV Hànộimới đã cùng những người có trách nhiệm của TX Sơn Tây tham gia "cuộc chiến" với rác trong những hoàn cảnh tương tự. Đó là bức xúc về ô nhiễm môi trường; kiến nghị tái định cư, lắp đặt nước sạch… nhưng tiến độ giải quyết quá chậm trễ khiến người dân phải nhiều lần "thể hiện" bằng cách duy nhất… "bủa vây xe chở rác". Dự án khu xử lý rác thải Xuân Sơn ban đầu rộng 4ha, công suất thiết kế 40-50 tấn rác/ngày, sau đó được mở rộng thêm 9ha vào năm 2002 (trong đó có 3ha cắt giao cho Công ty cổ phần Công nghệ môi trường xanh Seraphin xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt). Giai đoạn I của khu xử lý hiện chỉ dừng ở chôn lấp đơn giản. Tuy nhiên, qua 12 năm hoạt động (từ năm 1998), 4ha ban đầu với 10 hố chôn lấp rác công suất 80 tấn rác/ngày đã phủ kín. Trước tình hình này, tháng 6-2009, TP đã đồng ý và chỉ đạo thực hiện ngay các giải pháp khẩn cấp: Nâng cốt 10 hố chôn lấp rác từ +37 lên +39, tương đương 2m bằng cách đắp bờ bao xung quanh; đào hố chôn lấp rác khẩn cấp với diện tích 1,2ha (đã được giải phóng mặt bằng năm 2002). Hai dự án kể trên TP Hà Nội giao UBND TX Sơn Tây làm chủ đầu tư với tổng kinh phí khoảng 7 tỷ đồng. Đến tháng 1-2010, TX Sơn Tây hoàn thành nâng cốt 10 hố chôn lấp và từ đó đến nay, Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị (CPMT&CTĐT) Sơn Tây tiếp tục chở rác của TX Sơn Tây, huyện Phúc Thọ, Ba Vì và một phần của Đan Phượng, Thạch Thất vào khu xử lý với công suất lên đến 300 tấn rác/ngày. Trao đổi với Hànộimới, ông Hà Ngọc Tản, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CPMT&CTĐT Sơn Tây khẳng định: "Với tốc độ như hiện nay thì việc tiếp nhận rác chỉ thực hiện được trong tháng 7, đến tháng 8 bãi rác sẽ đầy".
Rác chờ… thủ tục
Trong công văn số 166/TB-UBND thông báo kết luận về các vấn đề liên quan đến khu xử lý rác thải Xuân Sơn, Chủ tịch UBND TX Sơn Tây Nguyễn Quang Mạnh thừa nhận: "Các hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500m có nguyện vọng di dời là chính đáng, TP Hà Nội đã nhất trí với kiến nghị này. Tuy nhiên, do công tác chỉ đạo, phối hợp, tranh thủ sự giúp đỡ của các sở, ngành TP chưa tốt nên tiến độ dự án chậm, dẫn đến việc một số hộ dân ngăn cản xe chở rác". Sự thừa nhận này tiếp tục là lời cảnh báo đối với việc thực hiện dự án xây dựng ô chôn lấp 1,2ha để tập kết rác sau khi 10 hố chôn lấp đầy. UBND TX Sơn Tây đã trình đầy đủ các thủ tục hồ sơ triển khai dự án về UBND TP và các sở, ngành liên quan.
Tuy nhiên, với tốc độ "rùa bò" như hiện nay thì dự án không còn mang ý nghĩa đối phó khẩn cấp như trước đó người ta đã gắn cho dự án. Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án chậm trễ là do chờ… các thủ tục từ phía các cơ quan chức năng, trong đó, có tấm "giấy thông hành" quan trọng nhất là văn bản thỏa thuận của Sở Kế hoạch - Đầu tư về bố trí nguồn vốn cho dự án. Điều đáng nói là khi hoàn thành thủ tục của cấp TP thì dự án còn phải mang ra đấu thầu hoặc chỉ định thầu (nếu được phép) cũng phải "ngốn" một thời gian nhất định. "Hơn nữa, để thi công dự án, nhanh cũng phải mất 3 tháng mà hiện tại hồ sơ mời thầu vẫn chưa được phê duyệt. Vậy, tính tổng cộng thời gian thi công với thời gian giải quyết các thủ tục hành chính thì sau tháng 8-2010 dự án chưa hoàn thành là thực tế sẽ xảy ra. Lúc đó, lượng rác 300 tấn/ngày sẽ đổ đi đâu?" - ông Hà Ngọc Tản lo lắng. Nói về những vấn đề này, ông Nguyễn Quang Mạnh, Chủ tịch UBND TX Sơn Tây cho biết, TX đã nhận thấy nguy cơ này từ sớm và xin ý kiến chỉ đạo của TP Hà Nội. Theo đó, dự án mở rộng hố chôn lấp rác 1,2ha đã được UBND TP đồng ý từ ngày 30-6-2009, tại văn bản số 6075/UBND-GT. Như vậy, tính ra đã mất tròn một năm cho một dự án khẩn cấp nhưng hiện vẫn chưa có dấu hiệu gì là sắp khởi công!?
Cần thực hiện ngay dự án xử lý rác giai đoạn 2 Ông Hà Ngọc Tản, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CPMT&CTĐT cho biết, hố chôn lấp rác khẩn cấp 1,2ha được thiết kế với công suất 400 đến 500 tấn rác/ngày, đáp ứng trong 15 tháng. Vì vậy, ngay sau khi hoàn thành dự án 1,2ha phải triển khai ngay dự án giai đoạn 2. Dự án giai đoạn 2 có quy mô 100ha, công suất thiết kế 1.000 tấn rác/ngày với công nghệ xử lý rác thành dầu diezen và các sản phẩm khác, lượng chôn lấp dưới 10%; sản xuất viên đốt công nghiệp từ rác… |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.