(HNM) - Tròn một tuần đã qua, kể từ khi chính quyền Tel Aviv ra lệnh không kích giết thủ lĩnh Hamas Ahmed al-Jabari tại Gaza với cớ nhằm ngăn chặn Hamas nã rocket tự tạo vào lãnh thổ Israel (ngày 14-11), đã châm ngòi cho cuộc xung đột mới giữa Israel và các tay súng ở Gaza.
Đến nay, tình hình ở Dải Gaza chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Thậm chí những động thái gần đây giữa hai bên khiến dư luận khu vực và quốc tế lo ngại về một cuộc chiến toàn diện tại Trung Đông.
Dư luận lo ngại xung đột leo thang tại Dải Gaza sẽ dẫn đến cuộc chiến toàn diện ở Trung Đông.
Trong một diễn biến mới, ngày 19-11, máy bay tiêm kích của Israel đã không kích khiến ba người Palestine đang ngồi trong một chiếc xe hơi ở miền Trung Gaza thiệt mạng, nâng tổng số thương vong trong 6 ngày qua lên 85 người. Trước đó, ngày 18-11, được xem là ngày đẫm máu nhất kể từ khi Israel mở chiến dịch "Trụ cột quốc phòng" nhằm vào Dải Gaza, vùng lãnh thổ Palestine do phong trào Hamas kiểm soát, cướp đi sinh mạng của ít nhất 75 người Palestine. Điều nguy hiểm hơn khiến dư luận lo ngại là khả năng một cuộc tấn công trên bộ do Israel phát động là rất có thể sẽ xảy ra. Theo đó, trong cuộc trao đổi ngày 18-11, cả Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak đều đưa ra cảnh báo ám chỉ Israel sắp thực hiện một cuộc tấn công bằng đường bộ vào Gaza. Đến nay, quốc gia Do Thái đã huy động tới 75.000 quân dự bị để sẵn sàng tham chiến và các thiết bị quân sự, vũ khí hạng nặng cũng đã được dồn về khu vực biên giới gần với Gaza. Nếu viễn cảnh này thành sự thật, Gaza sẽ phải hứng chịu một chiến dịch tấn công toàn diện từ trên bộ, trên không và trên biển. Đó sẽ là khởi đầu cho một cuộc xung đột toàn diện tại Trung Đông...
Bất bình trước hành động không kích của Israel khiến dân thường Palestine trong đó có phụ nữ và cả trẻ em bị thiệt mạng, cộng đồng quốc tế đã có những phản ứng gay gắt. Ngày 18-11, phát biểu trên truyền hình, Ngoại trưởng Anh William Hague, mặc dù bày tỏ thái độ rằng, Hamas phải chịu "trách nhiệm chính" về tình trạng leo thang bạo lực tại Dải Gaza nhưng nhà ngoại giao xứ Sương mù vẫn nhấn mạnh, nếu Israel mở cuộc tấn công trên bộ vào Dải Gaza, Tel Aviv sẽ mất đi rất nhiều sự ủng hộ mà họ đang nhận được, trong đó có sự ủng hộ từ London. Trong khi đó, cùng ngày, Liên đoàn Arab (AL) ra thông cáo kêu gọi các nước thành viên ngừng tất cả các hoạt động bình thường hóa quan hệ với Israel và ủng hộ nỗ lực của Ai Cập làm trung gian thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel với các cánh vũ trang Palestine ở Dải Gaza. Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani cũng lên tiếng kêu gọi các nước trong khu vực cung cấp vũ khí giúp người Palestine chiến đấu chống Israel. Còn tại Bờ Tây, hàng nghìn người Palestine đã biểu tình kêu gọi các tay súng Hamas trả đũa Tel Aviv. Tại Iran và Ai Cập, hàng nghìn người cũng xuống đường ủng hộ Palestine và phản đối chính quyền Do Thái không kích giết hại dân thường...
Rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay, cần có sự nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm chấm dứt tình trạng đổ máu ở Dải Gaza. Tuy nhiên, một thực tế nan giải là thái độ ủng hộ của Washington với chính quyền Tel Aviv khi đổ lỗi cho cánh vũ trang Hamas mà Mỹ xem như một tổ chức khủng bố. Nhật báo Al-Manar của Palestine dẫn lời quan chức ngoại giao Châu Âu tiết lộ, Israel đã liên lạc với giới chức Mỹ và Qatar vài giờ trước khi ra lệnh không kích giết thủ lĩnh Hamas Ahmed al-Jabari tại Dải Gaza. Trong cuộc điện đàm mới đây với Thủ tướng B.Netanyahu, Tổng thống Mỹ B.Obama đã ủng hộ "quyền tự vệ" của Tel Aviv trước các đợt đáp trả của phong trào Hamas nhằm vào các khu dân cư Israel gần Dải Gaza.
Dư luận đang hy vọng vào nỗ lực của Ai Cập và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhằm giúp hai bên ngồi vào bàn đàm phán. Trong một diễn biến mới, ngày 19-11, ông Ban Ki-moon đã có mặt ở Ai Cập và có cuộc gặp Tổng thống nước chủ nhà Mohamed Morsi để thảo luận về một thỏa thuận ngừng bắn có thể giữa Palestine với Israel nhằm chấm dứt cuộc tấn công quân sự hiện nay của quân đội Israel nhằm vào Dải Gaza. Trong những giờ tới, người đứng đầu Liên hợp quốc sẽ đến Israel và Dải Gaza nhằm làm dịu tình hình căng thẳng hiện nay.
Bên cạnh đó cùng ngày, các phe phái đối địch của Palestine là Fatah và Hamas cho biết đã quyết định chấm dứt giao tranh, một động thái thể hiện tình đoàn kết tại Bờ Tây trong cuộc khủng hoảng tại Dải Gaza. Đồng thời Bộ trưởng Tài chính Israel Yuval Steinitz tuyên bố chính phủ nước này đã gia hạn cho Hamas trong vòng 36 giờ phải chấm dứt bắn tên lửa vào Israel, nếu không, Tel Aviv sẽ mở rộng chiến dịch quân sự tại Dải Gaza.
Cả Trung Đông đang trông đợi những tín hiệu tích cực sẽ giúp tháo "ngòi nổ" một cuộc chiến toàn diện đã cận kề trong khu vực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.