(HNM) - Từ đầu năm 2020 đến nay, tệ nạn ma túy tại Hà Nội có nguy cơ gia tăng, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Tội phạm về ma túy sử dụng nhiều thủ đoạn mới, tinh vi, có yếu tố liên quan đến nước ngoài diễn biến phức tạp; trong khi đó, công tác quản lý nhà nước còn bất cập. Đây là vấn đề đáng quan tâm và cần có giải pháp căn cơ để xử lý, ngăn chặn.
Phát sinh nhiều “điểm nóng” ma túy
Thống kê của Ban Chỉ đạo xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, phòng, chống HIV/AIDS thành phố Hà Nội (Ban Chỉ đạo 138 thành phố) cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện, khám phá 2.194 vụ với 3.133 đối tượng phạm tội về ma túy, tăng 420 vụ so với cùng kỳ năm 2019.
Theo Thượng tá Nguyễn Quang Hiền, Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an thành phố Hà Nội), thời gian qua, lực lượng công an và Cục Hải quan thành phố đã phát hiện 3 vụ vận chuyển ma túy từ nước ngoài thông qua bưu kiện gửi qua Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và đường chuyển phát nhanh để tiêu thụ trong nước. "Lợi dụng sự phát triển của các trang thương mại điện tử, tội phạm ma túy đã tạo lập các tài khoản ảo trên các trang mạng xã hội để quảng cáo, rao bán các chất ma túy. Bên cạnh đó, hoạt động trồng cây cần sa; hành vi chế biến, làm bánh chứa cần sa ở nhà riêng vẫn xảy ra”, Thượng tá Nguyễn Quang Hiền nói.
Cùng với đó, công tác phòng, chống tệ nạn ma túy ở cơ sở còn bất cập, diễn biến phức tạp. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo 138 thành phố, cùng thời điểm này năm 2019 toàn thành phố Hà Nội chỉ còn 1 địa bàn trọng điểm về ma túy thì hiện tại có đến 38 xã, phường, thị trấn trở thành “điểm nóng” về ma túy. Ngoài ra, thành phố tiếp tục có 7 địa bàn có nguy cơ phát sinh phức tạp về ma túy tại các huyện: Thường Tín, Thanh Trì, Chương Mỹ và các quận: Thanh Xuân, Đống Đa, Tây Hồ. Sinh sống tại địa bàn có nguy cơ phát sinh phức tạp về ma túy, ông Nguyễn Văn Oanh (xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín) lo lắng: "Tệ nạn ma túy sẽ khiến tình hình an ninh trật tự tại xã bất ổn, như xảy ra tình trạng trộm cắp tài sản".
Công tác cai nghiện cũng gặp nhiều khó khăn. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) Đỗ Vân Long cho biết, mặc dù việc tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng là trách nhiệm của UBND cấp xã, phường, thị trấn, nhưng thực tế khó đủ nguồn nhân lực y tế bảo đảm về chuyên môn để thực hiện.
Đại úy Nguyễn Đình Quý, cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy nhận định, từ giữa năm 2019 đến nay, trong số 653 người được đưa đi cai nghiện ma túy bắt buộc thì chỉ có 177 người có nơi cư trú ổn định (chiếm 27%). “Tỷ lệ trên rất thấp so với con số 8.819 người nghiện ma túy đang ở cộng đồng. Đây cũng là vấn đề khiến tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy vẫn còn đất hoạt động”, Đại úy Nguyễn Đình Quý nói.
Nâng cao chất lượng quản lý địa bàn
Chia sẻ về công tác phòng ngừa ma túy trên địa bàn, Trung tá Lê Hùng Vỹ, Trưởng Công an phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) cho biết, đơn vị đã xây dựng các “trưởng tầng” là người trực tiếp nắm, trao đổi thông tin thường xuyên với cảnh sát khu vực về tình hình an ninh, trật tự tại khu chung cư tại địa phương. Cùng với đó, mỗi cảnh sát khu vực thiết lập 2 nhóm Zalo với các cư dân trên địa bàn quản lý và với đại diện ban quản lý, ban quản trị, tổ dân phố... “Qua đó, các hoạt động nghi ngờ ảnh hưởng đến an ninh, trật tự nói chung và tệ nạn ma túy nói riêng sẽ được nắm bắt, xử lý kịp thời”, Trung tá Lê Hùng Vỹ nói.
Đối với công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái cho biết, Sở tiếp tục phối hợp cùng các địa phương nâng cao hiệu quả hoạt động của các đội công tác xã hội tình nguyện, tăng cường tiếp cận, vận động người nghiện ma túy đi cai nghiện tự nguyện. Bên cạnh việc tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của câu lạc bộ quản lý người sau cai nghiện, triển khai các điểm hỗ trợ, tư vấn đối với người tham gia cai nghiện ma túy, Sở cũng đẩy mạnh công tác cho vay vốn, hỗ trợ giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện.
Về phía Công an thành phố, Đại tá Trương Thọ Toàn, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho biết, Công an thành phố đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương kiểm soát, nắm chắc tình hình hoạt động của các loại tội phạm và tệ nạn ma túy để thực hiện theo 3 tiêu chí “chặn cung, giảm cầu, giảm tác hại”. Ngoài ra, tăng cường phối hợp liên ngành trong kiểm soát chặt chẽ các hoạt động hợp pháp về tiền chất ma túy sử dụng trong đời sống và nghiên cứu. “Mục tiêu được đặt ra là phấn đấu đến hết năm 2020, thành phố không còn “điểm nóng” về ma túy và không để phát sinh địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy”, Đại tá Trương Thọ Toàn nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.