(HNM) - Liên minh châu Âu (EU) đã khởi kiện chống lại Vương quốc Anh liên quan tới Nghị định thư Bắc Ireland. Hành động này khiến giới quan sát lo ngại về một cuộc chiến thương mại mới có thể đẩy nền kinh tế thế giới lún sâu hơn vào khủng hoảng.
Theo Reuters, Ủy ban châu Âu (EC) đã khởi động hai tiến trình pháp lý nhằm vào Anh, với lý do Đảo quốc sương mù đã vi phạm thỏa thuận hậu Brexit (Anh rời khỏi EU). Trong đó, một tiến trình nhằm vào việc Anh không bảo đảm thực thi việc kiểm soát biên giới tại Bắc Ireland, một tiến trình về việc London không cung cấp cho EU các dữ liệu thống kê thương mại thiết yếu để bảo vệ thị trường chung. Trong tình huống xấu, London sẽ đối mặt với những khoản phạt khổng lồ từ Tòa án Tư pháp châu Âu (ECJ).
Diễn biến trên xảy ra sau khi London công bố dự luật điều chỉnh Nghị định thư Bắc Ireland năm 2019, một phần trong thỏa thuận hậu Brexit về các quy định thương mại. Theo Nghị định thư này, sau khi Anh rời EU, vùng Bắc Ireland tiếp tục tuân thủ quy định của thị trường EU nhằm tránh phải thiết lập biên giới với Cộng hòa Ireland, một thành viên EU. Hai bên nhất trí kiểm soát hàng hóa từ phần còn lại của Anh nhập vào Bắc Ireland để bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn EU...
Tuy nhiên, từ khi áp dụng vào đầu năm 2021, hoạt động kiểm soát khiến lưu thông hàng hóa đình trệ, tăng gánh nặng lên doanh nghiệp Anh, dẫn đến mâu thuẫn nội bộ với quan điểm Nghị định thư đã chia cắt nước Anh. Do đó, Anh muốn sửa đổi Nghị định thư theo hướng dỡ bỏ hầu hết các điểm kiểm soát hàng hóa, dù vẫn ưu tiên mục tiêu không thiết lập biên giới trên đảo Ireland. Chỉ những doanh nghiệp có dự định giao thương với EU qua tuyến đường Ireland mới phải thực hiện thủ tục hải quan. Anh sẽ phạt mạnh những công ty lợi dụng hệ thống mới để làm sai, song loại bỏ quyền giám sát Nghị định thư của ECJ - điều EU luôn phản đối. Về phần mình, EU sẽ được tiếp cận dữ liệu thời gian thực của Anh về dòng chảy hàng hóa sang Bắc Ireland.
London cho rằng, những điều chỉnh nói trên chỉ là “sửa đổi nhỏ” nhằm cải thiện hoạt động thương mại. Ngoại trưởng Anh Liz Truss nhấn mạnh, Anh hoàn toàn nghiêm túc về việc sẽ thông qua dự luật (tiến trình có thể kéo dài khoảng 18 tháng) và tin tưởng cách làm này sẽ bảo vệ thị trường chung EU. Tuy nhiên, mong muốn của Anh đã vấp phải chỉ trích dữ dội từ EU.
Cụ thể, Phó Chủ tịch EC Maros Sefcovic khẳng định, EU sẽ không đàm phán lại về Nghị định thư Bắc Ireland, nhưng cho biết Brussels vẫn muốn đàm phán với Anh để giải quyết các vướng mắc trong việc vận chuyển các sản phẩm của Anh đến Bắc Ireland. Về phần mình, Thủ tướng Đức Olaf Scholz lấy làm tiếc trước quyết định “không hợp pháp” của Anh. Trong khi đó, Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney cho rằng, cách làm của Anh là vi phạm luật quốc tế, khẳng định “không có lý do đúng đắn nào” để thực hiện điều đó.
Trước nguy cơ căng thẳng có thể làm bùng nổ cuộc chiến thương mại mới, dư luận quốc tế không khỏi lo ngại. Với mong muốn hạ nhiệt tranh cãi, Mỹ lên tiếng kêu gọi Anh và EU trở lại đàm phán nhằm giải quyết các khác biệt, nhấn mạnh ưu tiên của Washington là bảo vệ thỏa thuận, duy trì hòa bình, sự ổn định và thịnh vượng của người dân Bắc Ireland. Về phần mình, các doanh nghiệp Bắc Ireland mong muốn London giải quyết tình trạng gián đoạn trong thương mại hậu Brexit thông qua đàm phán với EU, thay vì triển khai các kế hoạch đơn phương.
Dù không thể phủ nhận những khía cạnh tích cực khiến Anh đưa ra quyết định lần này, song tăng cường trao đổi và tìm kiếm thỏa hiệp vẫn là cần thiết. Cách tiếp cận này sẽ tạo ra sự cân đối phù hợp để bảo vệ lợi ích của các bên liên quan, tránh nguy cơ về một cuộc chiến thương mại mới có thể “đổ dầu vào lửa” bởi nền kinh tế thế giới vốn đã chồng chất khó khăn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.