Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đàm phán giữa Anh và EU về Nghị định thư Bắc Ireland: Bước tiến triển tích cực

Quỳnh Dương| 20/01/2023 05:48

(HNM) - Sau thời gian dài bế tắc, đàm phán giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) liên quan tới Nghị định thư Bắc Ireland đã có những bước tiến triển tích cực. Điều này được cho là có thể giúp cải thiện quan hệ giữa hai bên trong tiến trình giải quyết những tranh chấp thương mại thời kỳ hậu Brexit (Anh rời khỏi EU), đồng thời giảm bớt áp lực lên Thỏa thuận ngày thứ sáu tốt lành - văn bản giúp duy trì hòa bình trên đảo Ireland gần 25 năm qua.

Trưởng đoàn đàm phán EU Maros Sefcovic (bên trái) và Ngoại trưởng Anh James Cleverly sau cuộc đàm phán tại London (Anh).

Thông báo kết quả cuộc đàm phán được tổ chức đầu tuần này với EU, ngày 18-1, Ngoại trưởng Anh James Cleverly cho biết, buổi làm việc diễn ra trong bầu không khí tin tưởng, đem lại tiến triển tích cực trong vấn đề Bắc Ireland, đồng thời tin rằng chính điều này đã giúp hai bên đạt được những tiến bộ thực sự. Tinh thần cuộc đàm phán cho thấy cả hai đều mong muốn đạt được kết quả sớm nhất có thể.

Tuyên bố chung giữa Trưởng đoàn đàm phán EU Maros Sefcovic với Ngoại trưởng Anh James Cleverly và Bộ trưởng phụ trách vấn đề Bắc Ireland của Chính phủ Anh Chris Heaton-Harris khẳng định: "Hai bên đã thảo luận về một loạt thách thức hiện có trong hai năm qua và nhu cầu cùng nhau tìm giải pháp để giải quyết toàn diện các mối quan tâm của tất cả các cộng đồng ở Bắc Ireland, bảo vệ vị trí của Bắc Ireland trong thị trường nội bộ Vương quốc Anh và tính toàn vẹn của thị trường chung của EU". Trước đó, Anh và EU đã ra tuyên bố chung về một thỏa thuận dự kiến sẽ cho phép EU tiếp cận các hệ thống dữ liệu của Anh liên quan tới giao dịch thương mại qua biển Ireland.

Anh rời EU vào ngày 31-1-2020 nhưng Nghị định thư Bắc Ireland đã gây ra bất đồng dai dẳng. Văn bản này vốn là một phần trong thỏa thuận Brexit. Theo đó, để tránh việc thiết lập đường biên giới trên bộ giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và nước Ireland mà vẫn bảo đảm hàng hóa từ Anh sang EU phù hợp các tiêu chuẩn của thị trường chung châu Âu, các bên nhất trí thiết lập những điểm kiểm soát hàng hóa từ các vùng còn lại của Anh sang Bắc Ireland. Tuy nhiên, kể từ khi được áp dụng vào đầu năm 2021, việc kiểm tra hàng hóa từ Anh sang Bắc Ireland đã gây ra tình trạng tắc nghẽn, phát sinh nhiều thủ tục, dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng hóa cho vùng này.

Anh muốn sửa đổi Nghị định thư trên theo hướng dỡ bỏ hầu hết các điểm kiểm soát hàng hóa từ những vùng còn lại sang Bắc Ireland, trong khi vẫn ưu tiên mục tiêu không thiết lập biên giới cứng trên đảo Ireland, đúng như nguyên tắc của Thỏa thuận ngày thứ sáu tốt lành. EU sẽ được quyền tiếp cận dữ liệu thời gian thực của Anh về dòng chảy hàng hóa sang Bắc Ireland. Chỉ những doanh nghiệp có dự định giao thương với EU bằng tuyến đường qua đảo Ireland mới phải thực hiện các thủ tục hải quan. Tuy nhiên, Anh lại loại bỏ quyền giám sát Nghị định thư của Tòa án Tư pháp châu Âu, điều mà EU luôn phản đối.

Sự chậm trễ trong đàm phán giữa Anh và EU liên quan tới Nghị định thư Bắc Ireland không chỉ làm gia tăng căng thẳng giữa hai bên mà còn đe dọa Thỏa thuận ngày thứ sáu tốt lành. Trước năm 1998, tại Belfast - thủ phủ của Bắc Ireland thường xuyên xảy ra xung đột đẫm máu giữa những người muốn Bắc Ireland duy trì tư cách là một vùng của Anh và những người muốn sáp nhập Bắc Ireland vào Ireland. Thỏa thuận ngày thứ sáu tốt lành được ký ngày 10-4-1998 đã giúp khép lại 3 thập niên của một trong những cuộc xung đột nghiêm trọng nhất tại châu Âu trong thế kỷ XX.

Hiện, các quy định trong Nghị định thư Bắc Ireland vẫn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của phe ủng hộ Bắc Ireland sáp nhập vào Anh, với lý do văn kiện này gây chia cắt Bắc Ireland với phần còn lại của nước Anh, dẫn tới các cuộc biểu tình và bất ổn. Chính vì vậy, nếu hai bên không sớm gạt bỏ những bất đồng và đạt được thỏa thuận cuối cùng, viễn cảnh ổn định trên đảo Ireland sẽ rất khó được bảo đảm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đàm phán giữa Anh và EU về Nghị định thư Bắc Ireland: Bước tiến triển tích cực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.