Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguy cơ cháy, nổ cao từ các cơ sở tái chế phế liệu

Tiến Thành| 19/04/2018 05:52

(HNM) - Sự chủ quan trong công tác bảo đảm an toàn tại các cơ sở thu gom, tái chế phế liệu trên địa bàn TP Hà Nội đang là nguy cơ cao dẫn tới sự cố cháy, nổ.

Vụ cháy tại làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì vào ngày 16-3.


Hiểm họa rình rập

Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội cho biết, 6 tháng cuối năm 2017 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 442 sự cố cháy bãi rác, phế liệu. Trong đó, Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 7 cho biết, riêng ở làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì), nơi tập trung số lượng cơ sở thu gom, tái chế phế liệu lớn nhất thành phố, đã xảy ra 4 vụ cháy, tuy không gây thiệt hại về người nhưng đã thiêu rụi nhiều tài sản với giá trị hàng tỷ đồng của người dân.

Đặc biệt, trong tháng 3-2018 đã liên tiếp xảy ra 2 vụ cháy. Vụ đầu tiên xảy ra tại xưởng đồ da, nhựa vào ngày 4-3 gây thiệt hại về tài sản khoảng 500 triệu đồng, vụ thứ hai xảy ra ngày 16-3 tại cơ sở thu gom phế liệu.

Theo đại diện UBND xã Tân Triều, trên địa bàn xã hiện có khoảng 70 hộ dân tập trung ở làng Triều Khúc đang làm nghề thu gom, tái chế phế liệu. Phần lớn trong số những hộ này là phát triển tự phát theo quy mô gia đình, với quy trình sản xuất thủ công. Một số hộ dân còn thu mua cả vật liệu có nguy cơ nổ cao như bình gas, bình oxy cũ. Trong các nhà xưởng, dây điện được mắc tạm bợ, công nhân sản xuất hầu hết là lao động thời vụ, thiếu kiến thức về an toàn phòng cháy, chữa cháy...

Tương tự làng Triều Khúc, mỗi ngày thôn Xà Kiều (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa) tiếp nhận 80-90 tấn phế liệu được thu gom từ nhiều nơi. Chủ yếu phế liệu là đồ nhựa đã qua sử dụng. Do lượng phế liệu quá lớn, nên hầu hết diện tích trống trong làng đều được tận dụng làm nơi tích trữ.

Thế nhưng, tất cả các hộ buôn bán phế liệu ở đây đều chủ quan với công tác an toàn khi hầu như không trang bị thiết bị chữa cháy nào. Nguy cơ cháy, nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi người dân nơi đây còn đốt các loại phế liệu để lấy kim loại tái chế.

Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn nhiều cơ sở thu gom phế liệu không bảo đảm an toàn, xen lẫn trong khu dân cư, thậm chí ngay tại các quận nội thành. Tại ngõ 34 phố Hoàng Cầu (quận Đống Đa), một loạt ngôi nhà tạm bợ được dựng lên làm nơi tập kết phế liệu như nhựa, giấy... và cả các thiết bị dễ cháy, nổ như bình ắc quy, bình gas, linh kiện điện tử.

Hay như khu nhà BT4, Khu đô thị Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) trong nhiều năm qua cũng là điểm được người dân thuê lại làm nơi thu mua sắt vụn. Những khu tập kết phế liệu xen lẫn trong khu dân cư này hầu hết đều xem nhẹ công tác phòng chống cháy, nổ, do đó thảm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Cần những biện pháp lâu dài

Một điểm thu mua phế liệu tại Khu đô thị Trung Văn. Ảnh: Minh Chiến


Đại tá Nguyễn Hải Triều, Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về chữa cháy (Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội) nhận định, hầu hết các vụ cháy ở các cơ sở, làng nghề thu gom, tái chế phế liệu với rất nhiều chất dễ cháy như nhựa, xốp, giấy vụn… gây khó khăn trong việc dập lửa. Lực lượng chữa cháy phải tiến hành trinh sát rồi lựa chọn hóa chất chữa cháy phù hợp với môi trường cháy. Chưa kể, đám cháy từ nhựa, xốp phế liệu cũng dễ khiến lực lượng chữa cháy bị thương...

Trung tá Nguyễn Xuân Tuấn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 7 cho biết, đối với các cơ sở thu gom, tái chế phế liệu trên địa bàn quản lý, đơn vị đã tham mưu với UBND huyện Thanh Trì xây dựng đề án quy hoạch tổng thể hệ thống cấp nước chữa cháy trên địa bàn; tăng cường đổi mới các phương pháp, hình thức tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy, đẩy mạnh tập huấn cho các cán bộ, người dân; hướng dẫn, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm quy định phòng, chống cháy, nổ.

Ngoài ra, địa phương, các ngành, đoàn thể cần thực sự vào cuộc tuyên truyền, giám sát, kiểm tra các hộ sản xuất, doanh nghiệp thu gom, tái chế phế liệu cũng như kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm.

Trao đổi với Trung tá Nguyễn Văn Tiệp, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 15 cho rằng, biện pháp thiết thực nhất để phòng ngừa và xử lý kịp thời các nguy cơ cháy, nổ cơ sở thu gom, tái chế phế liệu lớn là chủ động trong công tác “4 tại chỗ”. Trong đó cần xây dựng lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở đủ mạnh để xử lý ngay từ đầu những sự cố cháy, nổ.

“Việc người dân làm nghề thu gom, tái chế phế liệu là chuyện bất đắc dĩ để mưu sinh. Do đó, giải pháp căn cơ là các cơ quan chức năng cần chuyển đổi cơ cấu ngành nghề cho người dân để họ dần dần từ bỏ nghề nhiều độc hại và mất an toàn phòng cháy, chữa cháy này” - Trung tá Nguyễn Văn Tiệp nhấn mạnh.

Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội cho biết, lực lượng đang thực hiện tổng kiểm tra, rà soát công tác phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở sản xuất, kho hàng hóa xen lẫn trong khu dân cư theo sự chỉ đạo của UBND thành phố. Thông qua đó, lực lượng phòng cháy, chữa cháy sẽ tham mưu với UBND thành phố thực hiện lộ trình di dời các cơ sở không bảo đảm an toàn ra khỏi khu dân cư.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ cháy, nổ cao từ các cơ sở tái chế phế liệu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.