Phòng cháy chữa cháy

Thạch Thất chủ động nhiều giải pháp phòng, chống cháy nổ

Thu Hằng 21/02/2025 - 06:59

Huyện Thạch Thất có nhiều làng nghề sản xuất, kinh doanh đồ mộc dân dụng. Tại các làng nghề, hầu hết đều có mật độ dân cư cao, diện tích sản xuất, kinh doanh chật hẹp, không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng, chống cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ nên nguy cơ xảy ra cháy nổ rất cao.

Nhằm hạn chế tối đa các vụ cháy nổ xảy ra, đặc biệt là tại các làng nghề, song song với việc khắc phục những tồn tại, hạn chế, huyện đã chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn.

chay-no.jpg
Lực lượng chức năng diễn tập phòng cháy, chữa cháy tại một xưởng sản xuất đồ mộc dân dụng ở xã Thạch Xá (huyện Thạch Thất).

Nguy cơ xảy ra cháy nổ vẫn cao

Thực tế của phóng viên Báo Hànộimới tại các xã: Quang Trung, Lam Sơn, Thạch Xá cho thấy, có nhiều xưởng sản xuất đồ mộc dân dụng xây dựng trên đất nông nghiệp nằm sát nhau. Trong đó có nhiều cơ sở bố trí lò đốt, phòng phun sơn, khu vực để nguyên liệu, hàng hóa sát nhau… nhưng đa số không có giải pháp ngăn cháy lan giữa các khu vực.

Ngoài ra, nhiều cơ sở chưa bố trí đủ lối đi, đường thoát nạn cho công trình gây khó khăn cho việc thoát nạn nếu xảy ra cháy nổ; hoặc không trang bị đủ hệ thống báo cháy, chữa cháy trong và ngoài xưởng sản xuất…

Ông Nguyễn Văn Lợi, chủ một cơ sở sản xuất đồ mộc dân dụng tại xã Quang Trung thừa nhận những tồn tại trong công tác phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở sản xuất của gia đình. Để bảo đảm an toàn, giảm thiểu thiệt hại nếu xảy ra cháy nổ, gia đình ông đang từng bước khắc phục tồn tại, thiếu sót trong công tác phòng cháy, chữa cháy do cơ quan chức năng yêu cầu.

Theo báo cáo của Công an huyện Thạch Thất, toàn huyện có 3.525 cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các làng nghề (trong đó chủ yếu là cơ sở sản xuất đồ mộc dân dụng) thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy tập trung ở các xã: Quang Trung, Lam Sơn, Thạch Xá… Thực trạng sản xuất, kinh doanh đồ mộc dân dụng tại các làng nghề huyện Thạch Thất đáng lo ngại khi có tới 80% số cơ sở sản xuất, kinh doanh được xây dựng trên đất nông nghiệp, vi phạm trật tự xây dựng dẫn đến không bảo đảm các điều kiện an toàn, quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn nên nguy cơ xảy ra cháy nổ rất cao.

Trong năm 2024, toàn huyện xảy ra 38 vụ cháy, vụ việc cháy, chủ yếu tập trung ở các làng nghề sản xuất, kinh doanh đồ mộc, gây thiệt hại về tài sản đối với nhân dân, trong đó có 6 vụ cháy trung bình, 13 vụ cháy nhỏ, 19 vụ việc cháy.

Về nguyên nhân chính xảy ra các vụ cháy, Trung tá Đỗ Văn Mạnh, Phó Trưởng Công an huyện Thạch Thất cho biết, chủ yếu do sự cố về điện và sơ suất trong sử dụng nguồn lửa. Ngoài ra, thời gian xảy ra cháy chủ yếu vào chiều tối, không có người tại cơ sở sản xuất dẫn đến việc phát hiện, xử lý không được kịp thời cũng là nguyên nhân gây ra một số vụ cháy.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Thiếu tá Vũ Ngọc Tân, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an huyện Thạch Thất) cho biết, nhằm hạn chế tối đa các vụ cháy nổ xảy ra trên địa bàn, huyện ưu tiên triển khai rà soát, kiểm tra, xử lý đối với các nhóm cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao. Bên cạnh đó, giám sát chặt các cơ sở đã bị đình chỉ, tạm đình chỉ hoạt động, công khai danh tính các cơ sở để người dân biết, cùng giám sát; kiên quyết xử lý nghiêm đối với cơ sở lén lút hoạt động khi đã bị đình chỉ, tạm đình chỉ hoạt động; hướng dẫn các cơ sở tự khắc phục tồn tại trong phòng cháy, chữa cháy.

“Trong năm 2024, toàn huyện đã tổ chức trên 7.000 lượt kiểm tra định kỳ công tác phòng cháy, chữa cháy; xử phạt 600 cơ sở vi phạm. Tại hai xã có nghề mộc dân dụng phát triển (Quang Trung, Lam Sơn), đã xử phạt vi phạm hành chính 336 cơ sở, đình chỉ hoạt động đối với 805 cơ sở vi phạm nghiêm trọng về phòng cháy, chữa cháy”, Thiếu tá Vũ Ngọc Tân thông tin.

Nói thêm về các giải pháp đang được triển khai, Trung tá Đỗ Văn Mạnh, Phó Trưởng Công an huyện Thạch Thất nhấn mạnh: Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, diễn tập phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn, năm 2024, huyện đã triển khai Đề án về nâng cao năng lực bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn huyện đến năm 2026, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, huyện Thạch Thất triển khai nhân rộng 6 mô hình phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Cụ thể, đã xây dựng được 330 tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy; 744 điểm chữa cháy công cộng tại các khu dân cư, thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn huyện; thành lập 31 cụm liên kết an toàn phòng cháy, chữa cháy trong khu, cụm công nghiệp; 129 cụm liên kết an toàn phòng cháy, chữa cháy trong các làng nghề... Ngoài ra, các xã đã xã hội hóa, vận động nhân dân xây dựng, mua sắm được nhiều phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy như xe chữa cháy mini, trạm bơm chữa cháy, bể nước ngầm…

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, đến nay ý thức chấp hành pháp luật về phòng cháy, chữa cháy của các cơ sở, đơn vị, doanh nghiệp, của nhân dân huyện Thạch Thất có nhiều chuyển biến tích cực, chủ động tham gia các phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy. Qua đó hạn chế thấp nhất xảy ra các vụ cháy, đặc biệt là những vụ cháy nghiêm trọng gây thiệt hại về người và tài sản.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thạch Thất chủ động nhiều giải pháp phòng, chống cháy nổ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.