Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguy cơ cháy do bất cẩn khi thắp hương, đốt nến, vàng mã: Cảnh giác từ những đốm lửa nhỏ

Tiến Thành| 28/12/2019 07:54

(HNM) - Dù đã được khuyến cáo, nhưng không ít trường hợp thắp hương, đốt nến, vàng mã đã gây nên cháy do sự bất cẩn của người dân. Tết Nguyên đán Canh Tý và mùa lễ hội đầu xuân năm 2020 đang đến gần, nguy cơ cháy từ những đốm lửa nhỏ do thắp hương, đốt nến, vàng mã càng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì vậy, người dân cần cẩn trọng khi thực hiện các nghi thức tâm linh để tránh xảy ra mối họa lớn…

Đốt vàng mã dù ở đền, chùa hay gia đình đều phải được thực hiện đúng nơi quy định để bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ.

Tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ

Bước sang tháng Chạp năm 2019, hoạt động mua đồ thờ cúng của người dân diễn ra tấp nập hơn so với ngày bình thường. Chị Vũ Thị Mai, chủ cửa hàng kinh doanh vàng mã ở phố Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm) cho biết, năm qua, lượng tiêu thụ hương, đèn, tiền vàng, đồ mã của cửa hàng giảm, nhưng đến gần Tết Nguyên đán 2020 lượng tiêu thụ lại tăng vọt. Chọn mua lễ tiền vàng về thắp hương, bà Trần Thị Liên (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình) cho biết, gia đình bà vẫn duy trì việc đốt vàng mã trong mỗi dịp thờ cúng, lễ, Tết với quan niệm “trần sao âm vậy”.

Thói quen thắp hương, đốt nến, vàng mã thiếu cẩn thận thời gian qua đã là nguyên nhân xảy ra một số vụ cháy thương tâm. Theo thống kê của Công an thành phố Hà Nội, năm 2019, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 7 vụ cháy do thắp hương, đốt vàng mã. Gần đây nhất, vụ cháy ở cơ sở kinh doanh karaoke tại phố Thi Sách (quận Hai Bà Trưng) ngày 3-12 cũng xuất phát từ việc thắp hương thờ cúng tại tầng tum của cơ sở này.

Thiếu tá Vũ Đức Hưng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, chủ yếu là do người dân sơ ý, bất cẩn khi thắp hương, đốt vàng mã tại gia đình đã gây ra cháy. “Việc sơ ý, bất cẩn không chỉ xảy ra tại gia đình mà còn tại các đền, chùa, điển hình là vụ cháy chùa Thanh Sơn (huyện Sóc Sơn) vào tháng 4-2019 vừa qua gây thiệt hại ước tính khoảng 700 triệu đồng”, Thiếu tá Vũ Đức Hưng thông tin.

Thiếu tá Phan Thị Ngọc Anh, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an quận Tây Hồ) cho biết, đa số các gia đình đều bố trí nơi thờ cúng ở nơi cao nhất của ngôi nhà. Tiếc rằng, nhiều người dân thắp hương xong lại... bỏ đi làm việc khác, để tàn hương rơi vào các vật dụng thờ cúng khác gây cháy. Đáng ngại hơn khi hoạt động đốt vàng mã trên tầng thượng, tầng tum rất khó kiểm soát tàn lửa và dễ xảy ra cháy.

Về vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) Hứa Đức Minh cho biết, tại các hộ kinh doanh, chợ có diện tích chật hẹp, người dân thường đốt vàng mã ở vị trí không bảo đảm khoảng cách an toàn phòng cháy, chữa cháy, dễ tiếp xúc với các vật liệu dễ cháy. Đồng thời, trong quá trình đốt hương, nến, vàng mã không có người trông, tàn lửa có thể cháy lan sang các vật dụng xung quanh. 

Chủ động phòng ngừa, đẩy mạnh tuyên truyền

Hằng năm, thời điểm Tết đến, Xuân về thì hoạt động thắp hương, đốt nến, vàng mã lại gia tăng. Nhận thức được nguy cơ này, Chủ tịch UBND phường Khâm Thiên (quận Đống Đa) Nguyễn Quý Tùng cho biết, chính quyền phường đang đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về phòng cháy, chữa cháy trong việc thắp hương, đốt vàng mã... đến tất cả các khu dân cư trên địa bàn. Đối với các hộ kinh doanh, UBND phường đã vận động 100% hộ kinh doanh ký cam kết bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, trong đó yêu cầu hoạt động thắp hương, đốt vàng mã phải thực hiện đúng nơi quy định, bảo đảm khoảng cách an toàn...

Nhằm đảm bảo an toàn cho người dân vui xuân đón Tết, các lực lượng chức năng cũng đang nỗ lực tăng cường công tác phòng ngừa cháy do hoạt động đốt vàng mã. Thiếu tá Đặng Văn Chiêu, Phó Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, tại khu vực phố cổ, nơi tập trung nhiều hoạt động thắp hương, đốt vàng mã của các hộ kinh doanh, nên Công an quận đã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp thắp hương, đốt vàng mã không bảo đảm an toàn. Với các tuyến phố kinh doanh nhiều hàng hóa dễ cháy như: Hàng Mã, Hàng Đào…, lực lượng chức năng cũng đã yêu cầu chủ cơ sở kinh doanh tuyệt đối không đốt vàng mã.

Theo Thượng tá Ngô Thanh Lâm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội), bên cạnh việc quản lý tốt địa bàn, đơn vị cũng yêu cầu công an các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong hoạt động thờ cúng tại các đền, chùa, địa điểm tâm linh. Trong đó, cơ quan chức năng hướng dẫn các ban quản lý di tích các biện pháp bảo đảm an toàn phù hợp với tình hình cơ sở. Đồng thời, thành lập đội phòng cháy, chữa cháy nhằm tuyên truyền, hướng dẫn người dân và xử lý hiệu quả các sự cố cháy, nổ có thể xảy ra.

Hoạt động thờ cúng là một nhu cầu về đời sống tinh thần, đồng thời cũng là một nét văn hóa nên cần được tôn trọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội hiện đại, hoạt động này đòi hỏi phải trở nên văn minh hơn. Đại đức Thích Đạo Trụ (chùa Thiên Trù, Di tích quốc gia đặc biệt - quần thể Hương Sơn - chùa Hương) nhắn nhủ, người dân đi lễ tại đình, chùa hoặc cúng tại tư gia cần hạn chế đốt nến, vàng mã, vừa tiết kiệm tiền của vừa bảo đảm an toàn, hạn chế tối đa sự cố cháy nổ có thể xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ cháy do bất cẩn khi thắp hương, đốt nến, vàng mã: Cảnh giác từ những đốm lửa nhỏ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.