(HNMO) - Ong đốt là một dạng nhiễm độc thường gặp và rất nguy hiểm, có thể dẫn đến sốc và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Nhiều trường hợp tử vong vì bị ong đốt
Vào ngày 26-2, ông Nguyễn Văn Đúng (79 tuổi, ngụ ấp Bùng Binh, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa) phát và dọn cỏ sau vườn nhà. Khi đốt bỏ cỏ khô, khói bay đến một tổ ong cách đó khoảng 50m và đàn ong bay đến tấn công ông Đúng. Ông Đúng bỏ chạy vào nhà, được gia đình cho uống thuốc, sau đó mới chuyển đến bệnh viện nhưng ông đã tử vong. Lúc này, trên người ông Đúng bị khoảng 50 vết đốt từ con ong mật. Đàn ong này còn tấn công thêm 5 người, trong đó có 1 người phải chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Một nạn nhân tại TP Hồ Chí Minh bị ong đốt ngất xỉu, tụt huyết áp, chân tay lạnh. |
Không riêng gì trường hợp của ông Đúng bị đàn ong cướp đi sinh mạng, theo báo cáo từ cơ quan chức năng huyện Quỳ Châu (Nghệ An) trong năm 2012 trên địa bàn huyện này có 12 người chết vì ong đốt. Tính trung bình mỗi tháng, 1 huyện có 1 người bị tử vong vì ong tấn công. Mặc dù chưa có thống kê cụ thể về số người thiệt mạng do ong đốt mỗi năm ở nước ta, nhưng tình trạng bị ong tấn công dẫn đến nguy kịch, tử vong diễn ra khá phổ biến.
Mới đây, Bệnh viện quốc tế Thành Đô (TP Hồ Chí Minh) vừa cấp cứu cho 1 nạn nhân ở quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh bị ông vò vẽ đốt ngất xỉu. Nhạn nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch: mạch đập nhanh, tụt huyết áp, chân tay lạnh và bất tỉnh. Sau khi được cấp cứu, nạn nhân qua cơn nguy kịch nhưng phải nằm viện để điều trị, theo dõi sức khỏe tại bệnh viện.
Ong có rất nhiều loại, phổ biến nhất là ong mật, ong ruồi, ong bò vẽ, ong bắp cày, ong vang... Trong đó, ong bò vẽ, ong bắp cày là những loài ong hung dữ và có độc tính cao. Theo các chuyên gia động vật học thì vào thời điểm tháng 3 trở đi, mùa thời tiết nắng nóng cũng là mùa con ong xây tổ, làm mật nên đàn ong càng hung dữ hơn. Khi chúng bị kích động bởi các tác động vật lý (va chạm vật cứng vào tổ ong), hay đàn ong phát hiện khói, mùi lạ… thì chúng quay ra tấn công dồn dập vào người. Điểm tấn công thường nằm ở tại các vị trí như đầu, mặt, cổ. Một số ong có độc tính cao như ong vang, ong vò vẽ chỉ cần bị từ 10 vết chích đã làm người tử vong.
Không nên chủ quan với vết chích
Theo bác sĩ CKII Đặng Quang Thuyết, Trưởng khoa Cấp cứu - BVQT Thành Đô: Mức độ nặng hay nhẹ sau khi bị ong đốt phụ thuộc vào loài ong, số nốt đốt (trên 10 nốt đốt là nặng) và mức độ nhạy cảm của người bị đốt (những người có cơ địa dị ứng, dễ bị sốc phản vệ) cũng như việc cấp cứu sau khi bị ong đốt có kịp thời hay không. Các triệu chứng thường có xu hướng nặng hơn ở những người gầy yếu, có bệnh mạn tính, người già và trẻ em. Đây là đối tượng có sức đề khánh yếu, nên cơ chế tự chống đọc của cơ thể không thể phát huy.
Bác sĩ Thuyết cho biết thêm: Đa số bệnh nhân không có cơ địa dị ứng có phản ứng dị ứng với nọc độc khi ong đốt, các phản ứng này thường nhẹ như ban đỏ, sẩn phù hay đau tại vị trí bị đốt. Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân quá mẫn với nọc độc ong sẽ gây ra các phản ứng toàn thân khi bị ong đốt như sốc phản vệ (như khó thở, vã mồ hôi, tay chân lạnh, phù toàn thân, tiểu ít, vật vã…) nguy hiểm đến tính mạng. Đặc biệt là ong vò vẽ có độc tính cao, gây ra nhiều biến chứng.
Một số loại ong rất độc chỉ cần vài con cũng có thể gây sốc chết người. Chính vì vậy, khi bị ong đốt thì tốt nhất hay đến ngay cơ sở y tế để được theo dõi và xử trí, không nên chủ quan vì một số trường hợp sau vài ngày mới có biểu hiện tổn thương cơ quan do độc tố phát tác. Khi nạn nhân có những dấu hiệu của sốc phản vệ nên đến cơ sở y tế gần nhất nơi đủ phương tiện và thuốc men để cấp cứu, không được để nạn nhân ở nhà vì nguy hiểm đến tính mạng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.