Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguồn tham khảo giá trị

Hạ Yến| 03/09/2022 12:48

(HNMCT) - Giúp độc giả hiểu thêm về các sự kiện, nhân vật lịch sử, những cuốn sách giáo dục truyền thống luôn được các đơn vị xuất bản chú trọng, trong đó có không ít tác phẩm viết về Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9.

Những tác phẩm viết về Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 tiếp tục ra mắt độc giả.

Ký ức của nhiều người Việt Nam còn đọng lại cảm xúc náo nức và tự hào trong ngày lễ Quốc khánh 2-9-1945. Những cảm xúc ấy được không ít nhân vật lịch sử, trí thức, văn nghệ sĩ trải vào nhật ký, hồi ký của mình.

Trong hồi ức “Những năm tháng không thể nào quên” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (do nhà văn Hữu Mai thể hiện), có thể thấy một “Hà Nội tưng bừng màu đỏ. Một vùng trời bát ngát cờ đèn và hoa. Cờ bay đỏ những mái nhà, đỏ những rặng cây, đỏ những mặt hồ”. Ngày đó, chợ búa không họp, các nhà máy cửa hiệu đều nghỉ việc, mọi hoạt động buôn bán sản xuất của thành phố đều tạm ngừng. Bởi tất cả đồng bào Thủ đô, già, trẻ, gái, trai đều xuống đường: “Mọi người đều thấy mình cần phải có mặt trong ngày hội lớn đầu tiên của đất nước”.

Từng thời khắc lịch sử trong ngày lễ Độc lập đầu tiên của dân tộc với “nắng mùa Thu rất đẹp trên Quảng trường Ba Đình” đã được tái hiện thật sống động và đầy cảm xúc: “Sau bao năm bôn ba khắp thế giới, mang án tử hình của đế quốc Pháp, qua mấy chục nhà tù và những ngày dài gối đất nằm sương, Bác đã trở về ra mắt trước đồng bào. Sự kiện lịch sử này mới hôm nao còn ở trong ước mơ”.

Còn ở Huế, đạo diễn Xuân Phượng cũng ghi lại những phút giây lịch sử trong hồi ký “Gánh gánh... gồng gồng...”: “Tôi muốn kể lại cái không khí hào hùng, náo nức của hàng chục vạn người từ các huyện, xã, thôn rầm rập kéo về thành phố Huế mừng vui đón chào chính quyền mới. Cũng như họ, những học sinh vào tuổi mười sáu, mười bảy chúng tôi sẵn sàng rời bỏ gia đình, đồng lòng muốn đuổi quân xâm lược. Nguyện vọng của chúng tôi lúc bấy giờ chỉ có bảy chữ “Giành lại độc lập cho đất nước”.

Kể lại câu chuyện cho các thế hệ sau, nhưng mỗi dòng hồi ức ấy là cả một bài ca về lòng yêu nước, về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về tinh thần đại đoàn kết và ý chí tự lực tự cường dân tộc. Thời khắc lịch sử của Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 đã trở thành niềm cảm hứng cho nhiều trang viết sau này, không chỉ ở dạng hồi ký, ghi chép mà còn ở nhiều công trình nghiên cứu, chuyên khảo.

Có thể kể đến các cuốn sách như “2/9/1945 qua những trang hồi ức”, “Nhớ về mùa thu Tháng Tám: Tuyển hồi ký cách mạng”, “Con đường thiên lý: Từ bến Nhà Rồng đến quảng trường Ba Đình lịch sử”, “Những cội nguồn của Cách mạng Tháng Tám”, “70 năm mùa thu cách mạng”, “Cách mạng Tháng Tám trong tiến trình lịch sử dân tộc”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Tuyên ngôn độc lập đến Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, “Cách mạng Tháng Tám - Một sự kiện vĩ đại của thế kỷ XX”, “Sự ra đời của bản Tuyên ngôn độc lập”, “Năm 1945 những sự kiện lịch sử trọng đại”, “Từ Chiếu dời đô đến bản Tuyên ngôn độc lập”, “Từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975”... Những công trình nghiên cứu mang đến bức tranh toàn cảnh về sự kiện lịch sử vĩ đại của dân tộc, trong đó có những phân tích, đánh giá nguyên nhân chủ quan, khách quan đưa đến sự thành công của Cách mạng Tháng Tám, ý nghĩa lịch sử cũng như những bài học kinh nghiệm.

Cho đến nay, dù đã có nhiều công trình nghiên cứu của tác giả trong và ngoài nước viết về Cách mạng Tháng Tám và ngày Quốc khánh 2-9-1945 nhưng với tầm vóc, ý nghĩa to lớn, sự lan tỏa sâu rộng và giá trị lâu bền của những sự kiện này, đây vẫn là đề tài tiếp tục được nghiên cứu, đúc kết và vận dụng cho hiện tại và tương lai. Đó là lý do để những cuốn sách như "Cách mạng Tháng Tám 1945 - Thắng lợi vĩ đại đầu tiên của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX” hay “Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập” được ra mắt cách đây chưa lâu.

Nếu công trình nghiên cứu “Cách mạng Tháng Tám 1945 - Thắng lợi vĩ đại đầu tiên của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX” của GS.TS, Nhà giáo Nhân dân Trịnh Nhu và PGS.TS Trần Trọng Thơ tập trung phản ánh và làm sáng rõ hơn một số vấn đề lịch sử trong toàn bộ tiến trình vận động Cách mạng Tháng Tám cho đến ngày 2-9-1945 thì “Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập” của tác giả Kiều Mai Sơn hướng đến độc giả thanh, thiếu niên với ý nghĩa góp phần tìm hiểu văn bản chính luận "Tuyên ngôn độc lập" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giúp người đọc hiểu sâu sắc thêm về một thời điểm lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam. Tin rằng cuốn sách sẽ là nguồn tham khảo giá trị dành cho thầy, cô giáo cũng như học sinh, đáp ứng nhu cầu dạy và học trong nhà trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguồn tham khảo giá trị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.