(HNM) - Quản lý cán bộ, công chức, viên chức như “bài toán” khó trong mọi thời kỳ phát triển của xã hội bởi đây không chỉ là vấn đề thuộc về con người, mà còn là việc tạo lập các nguồn lực phát triển của đất nước cho cả hiện tại và tương lai.
Trên thực tế, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm một cách toàn diện. Đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, đội ngũ này đã trưởng thành, vững vàng, tính chuyên nghiệp ngày càng cao. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từng bước được nâng lên... Đặc biệt, với sự phân cấp, phân quyền rõ ràng, tính chịu trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức đã được nâng cao hơn, giúp bộ máy nhà nước hoạt động hiệu quả.
Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế lớn đang tồn tại hiện nay. Đó là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đông nhưng chưa mạnh, cơ cấu chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, tình hình mới; tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ xảy ra ở nhiều nơi... Việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế ở một số địa phương, đơn vị chưa thực chất, còn mang tính hình thức.
Thực tế này xuất phát từ công tác xây dựng thể chế, chính sách có mặt chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn; việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế chưa gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và vị trí việc làm; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện đạo đức công vụ, tinh thần, thái độ làm việc ở một bộ phận công chức, viên chức chưa thực sự nghiêm...
Để tạo lập nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, mang tính chuyên nghiệp, hiện đại, cần tiếp tục xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng lực lượng này đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ...
Muốn vậy, phải “đổi mới, hoàn thiện cơ chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức theo hướng đồng bộ, thống nhất” - như chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành Nội vụ (tổ chức ngày 29-12-2022).
Đáp ứng yêu cầu nêu trên, các cấp, các ngành cần quán triệt và triển khai thực chất nội dung: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển đất nước” mà văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ ra. Gần đây nhất, trong bài phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kết luận của Trung ương, nghị quyết của Quốc hội khóa XV về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, tổ chức ngày 3-1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng một lần nữa nhấn mạnh: Phát huy dân chủ, nâng cao ý thức trách nhiệm, nêu gương, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức. Có cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hóa, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức. Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để “không thể, không dám, không muốn tham nhũng”.
Đây là những chỉ đạo sắc bén, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương phải nghiêm túc, hành động quyết liệt hơn trong thực thi quy định pháp luật về công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Cần lưu ý rằng, đây không phải là việc riêng của ngành Nội vụ, mà là việc chung của cả hệ thống chính trị.
Một trong những yếu tố quan trọng để thực hiện đồng bộ công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức hiện nay là phải loại bỏ bằng được vấn đề cào bằng trong đánh giá, phân loại đội ngũ này. Muốn vậy, cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp lý cho việc đánh giá kết quả thực hiện công việc của cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm; cần cụ thể hóa theo tiêu chuẩn, chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và hiệu quả công việc thực tế của mỗi người...
Góp phần để cán bộ, công chức, viên chức ngày càng hoàn thiện và trong sạch hơn chính là nhân dân. Bằng cách không thờ ơ, không tiếp tay cho nạn tham ô, tham nhũng, tiêu cực; lên án, đấu tranh với thói nhũng nhiễu, phiền hà, hạch sách..., mỗi người dân sẽ là một “giám sát viên” cùng chung tay xây dựng nền hành chính với những công bộc liêm chính, thượng tôn pháp luật. Đây là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, từ đó tạo nguồn lực bền vững cho đất nước phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.