(HNM) - Bảo đảm năng lượng phục vụ an ninh, quốc phòng, nhu cầu sinh hoạt của đồng bào, chiến sỹ, luôn là mối quan tâm lớn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
"Bắt" nắng, gió phục vụ con người
Dàn pin mặt trời trên đảo Trường Sa.
Bên cạnh các loại hải sản phong phú, có lẽ nắng, gió cũng là "đặc sản" của Trường Sa. Nắng đã sợ, gió còn sợ hơn. Suốt hành trình của chúng tôi từ đất liền ra quần đảo, không lúc nào sóng gió dưới cấp 4, cấp 5; nhiều lúc lên cấp 7-8. Đó là chưa kể tới những lúc biển động, giông bão, sóng gió có thể lên tới cấp 11-12 và hơn thế nữa. Tận dụng nguồn lực tự nhiên, biến nắng và gió trở thành nguồn năng lượng dồi dào để bảo vệ chủ quyền biển đảo, phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đời sống sinh hoạt của bộ đội và nhân dân, đã được UBND huyện Trường Sa cùng nhiều cơ quan chức năng tập trung nghiên cứu, thử nghiệm trong thời gian qua. Kể từ năm 2009 đến nay, nguồn năng lượng vô tận của nắng, gió đã được chinh phục trên nhiều đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Đến quần đảo Trường Sa hôm nay, khi màn đêm buông xuống, chúng tôi thấy Trường Sa lớn như một thành phố nổi, lung linh ánh điện giữa biển cả bao la. Đó là nhờ hệ thống sử dụng năng lượng thuộc Dự án năng lượng sạch được lắp đặt đồng bộ chính thức hoạt động từ tháng 4-2009. Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa Vi Đức Thanh cho biết, đến nay, trên đảo đã lắp đặt được 13 cột tua-bin gió phát điện, 95 cột đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời. Hệ thống phát điện sử dụng sức gió và năng lượng mặt trời không chỉ bảo đảm năng lượng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt mà còn phục vụ công tác sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Cùng đi trên tàu Trường Sa 20 ra đảo với chúng tôi lần này có 3 kỹ sư của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển năng lượng mặt trời Bách khoa (TP Hồ Chí Minh), đơn vị triển khai hệ thống điện nêu trên. Họ có nhiệm vụ bảo dưỡng, sữa chữa một số cột tua-bin gió, trạm điện để bảo đảm năng lượng cho đảo. Kỹ sư Thạch Văn Tránh, trưởng nhóm cho biết, thiết bị sử dụng công nghệ của Mỹ, trung bình mỗi cột tua-bin sản xuất được 25kW/h/ngày. Năng lượng gió và năng lượng mặt trời được gom về các trạm, từ đó cung cấp tới các hộ dân, cơ quan, đơn vị để bảo đảm nguồn điện ổn định, trong đó năng lượng gió cung cấp tới 60% tổng năng lượng. Nếu được bảo dưỡng định kỳ đều đặn, mỗi cột tua bin có tuổi thọ lên tới 10 năm, bất chấp điều kiện tự nhiên khá khắc nghiệt trên đảo.
Chị Trương Thị Quyên, công dân đảo Trường Sa Lớn cho biết, kể từ ngày có hệ thống năng lượng sạch từ nắng và gió, đời sống của cư dân trên đảo được cải thiện rất nhiều. Trước đây, mỗi ngày chỉ có điện 5 tiếng vào buổi tối (chạy máy phát từ 17h đến 22h), nay gần như có điện 24/24h. Tất cả các hộ dân đều sắm ti vi, tủ lạnh, quạt điện... Có điện cũng giúp phát triển kinh tế thuận lợi hơn. Anh Nguyễn Đình Phương, chồng chị Quyên cho biết, trước đây, do không có điện, tủ lạnh, nên đánh được nhiều cá cũng không biết làm gì. Nay nhờ có điện 24/24h nên có thể trữ lạnh và bán lại cho các đơn vị trên đảo để tăng thu nhập. Gia đình anh chị đang tính thêm phương án sản xuất để có thu nhập cao hơn.
Tiếp tục phát triển mạnh nguồn năng lượng sạch
Phó Chủ tịch UBND huyện Trường Sa Nguyễn Viết Thuân cho biết, dự án năng lượng sạch do Tập đoàn Dầu khí tài trợ, không chỉ đáp ứng đủ điện năng cho công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo mà còn giúp thay đổi đáng kể đời sống nhân dân, chiến sỹ ở nhiều đảo. Đáng nói hơn là tư duy sản xuất của người dân đã nhanh chóng thay đổi. Không ít hộ gia đình đang tính tới chuyện đầu tư "làm ăn lớn" trên đảo sau khi nguồn điện được bảo đảm 24/24h.
Được biết, sau giai đoạn thử nghiệm rất hiệu quả ở Trường Sa Lớn, Sinh Tồn… dự án năng lượng sạch sẽ được triển khai đồng loạt tại các đảo khác, kể cả đảo chìm, nhà dàn DK. Trao đổi với chúng tôi khi đang bảo dưỡng một trạm điện, kỹ sư Thạch Văn Tránh cho biết, các anh chỉ làm công tác bảo dưỡng tại Trường Sa Lớn một thời gian rồi trở về đất liền ăn Tết, nhưng từ 26-1, công ty sẽ triển khai lắp đặt đồng bộ thiết bị sản xuất điện từ nắng và gió trên tất cả các đảo để đáp ứng nhu cầu điện năng. Như vậy, chỉ một thời gian nữa thôi, quần đảo Trường Sa sẽ trở thành một chuỗi "thành phố nổi", lung linh, huyền ảo giữa biển Đông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.